Giáo dục

Điểm 10 Lịch sử tăng gấp 8 lần so với năm 2021: Có gì ‘đột biến’?

Năm ngoái, Sử "đội sổ" kỳ thi tốt nghiệp THPT với 52,03% thí sinh có điểm dưới trung bình, năm nay tỷ lệ này cải thiện đáng kể. Vậy điều gì làm lên “kỳ tích” như vậy.

Năm nay, cả nước có 659.667 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử. Trong đó, 1.779 thí sinh đạt điểm 10 môn Sử, tăng gấp 8 lần so với năm ngoái và số thí sinh điểm dưới trung bình giảm mạnh, còn 127.557. Riêng tổng phổ điểm thì tăng gấp 6 lần so với năm ngoái.

Chi tiết số bài thi đạt các mốc điểm thi tốt nghiệp THPT 2022:

Điểm trung bình: 6,34 điểm.

Điểm trung vị: 6,5 điểm.

Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất: 7,0 điểm.

Số thí sinh điểm <= 1: 83 (năm 2021 - 504 thí sinh).

Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình: 127.557 (chiếm tỷ lệ 19,34%), trong khi đó, năm ngoái là 331.429 (chiếm 52,03%).

Đánh giá về phổ điểm môn Sử năm nay, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, kết quả môn Lịch Sử năm nay thay đổi rõ rệt từ hơn 52% thí sinh điểm dưới trung bình năm 2021 giảm còn gần 20% vào năm nay.

Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, đây là “tín hiệu đáng mừng” vì trước đó dư luận từng nhiều luồng ý kiến khác nhau về dạy và học môn này chưa hiệu quả, nặng kiến thức sách vở, học sinh khó ghi nhớ, học vẹt.

"Nhìn chung phổ điểm môn Sử năm nay khá đẹp", GS Minh nói. Đề thi năm nay đáp ứng được những yêu cầu cần đạt cho học sinh. Về tuyển sinh đại học, các trường có thể yên tâm sử dụng để xét tuyển đầu vào cho các ngành phù hợp.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, ở môn Lịch sử, đề thi đã có sự điều chỉnh tốt hơn, sát hơn để đánh giá năng lực, kiến thức của học sinh. "Tôi đánh giá với phổ điểm và kết quả như vậy thì kỳ thi đạt mục tiêu xét tốt nghiệp THPT", ông nhấn mạnh.

GS Đức chỉ ra 2 điểm khiến phổ điểm môn Lịch sử được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Thứ nhất, cách đây vài năm dư luận từng gióng lên hồi chuông cần đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử và thực tế đã triển khai tại các trường THPT. Thứ hai là đề thi năm nay có sự cải biến.

"Theo tôi, hai điểm đổi mới đó gặp nhau nên kết quả kỳ thi năm nay có sự cải thiện rõ rệt trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như đề thi đánh giá được năng lực học sinh",GS Đức phân tích.

“Số bài thi môn Lịch sử đạt điểm cao tăng, do đó, ông dự đoán những tổ hợp nào có môn này thì điểm sẽ nhỉnh lên một chút”- GS Đức nói.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy Sử trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, nhìn trên bình diện chung thì điểm môn Lịch sử năm nay đúng là có bất thường và tăng đột biến thật. Nhưng so sánh đề thi năm nay với năm 2018 thì có sự khác biệt trong cách ra đề thi nên lại cho thấy sự phù hợp tương đối của đề thi và kết quả.

“Đề năm nay dễ, có nhiều câu hiểu biết vấn đề xã hội nên điểm như vậy không được coi là đột biến”- cô Thảo nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo cô Thảo, điểm năm nay cao nhưng đề dễ nên tính phân loại chỉ tương đối. Nhưng nó phù hợp cho mục tiêu 2 trong 1 của kì thi này.

Tác giả: Đỗ Hợp

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP