Giáo dục

Đến trường học trực tiếp, chần chừ gì nữa?

Việc đóng cửa các trường học cũng chẳng có ý nghĩa gì cả khi hầu như chúng ta đã mở cửa mọi hoạt động khác.

Có lẽ thời gian qua, vấn đề được dư luận cả nước quan tâm, đó chính là lộ trình cho học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp.

Học sinh trường Tiểu học Tân Lập B (huyện Đan Phượng, Hà Nội) trở lại trường học sáng 10/2 sau thời gian dài phải học trực tuyến do dịch Covid-19. Ảnh: Tạ Hải

Ngay từ trước Tết, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra ngày 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương cho học sinh được đi học trực tiếp sớm nhất có thể.

Ngày 24/1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính tới cấp xã/phường) chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2/2022.

Thế nhưng đến nay, nhiều cơ sở giáo dục, nhiều địa phương vẫn còn tỏ ra khá dè dặt.

Điển hình như, các địa phương có cùng một cấp độ dịch được xác định là “vùng xanh” giống nhau, nhưng có nơi cho học sinh từ cấp tiểu học đến THPT đi học trực tiếp ngày 7/2, có nơi lại cho đi học trực tiếp ngày 14/2, có nơi đến ngày 21/2 mới mở cửa trường học.

Chưa kể đến, kế hoạch mới nhất của nhiều trường đại học tại TP.HCM yêu cầu sinh viên trở lại trường học trực tiếp ngày từ ngày 14/3, có trường là 21/3, thậm chí có trường là 28/3.

Như vậy có nghĩa là, dù sinh viên đều trên 18 tuổi, hầu hết đã tiêm đủ liều vaccine nhưng vẫn phải đến trường học trực tiếp trễ hơn học sinh tiểu học cả tháng trời. Chưa kể đến, một số địa phương vẫn chưa có kế hoạch chính thức bởi lý do “tỉ lệ phụ huynh đồng ý cho trẻ đến trường còn thấp”.

Nếu quan sát, chúng ta nhận thấy trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, tại các điểm du lịch, các khu vui chơi giải trí, khu mua sắm, sân bay, bến xe, bến tàu… hầu như người dân tập trung rất đông, không ít trong số đó là trẻ em ở độ tuổi đến trường.

Nghĩa là nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng cho con em mình tham gia các hoạt động nơi đông người, nhưng khi lấy ý kiến để trẻ đến trường học trực tiếp thì câu trả lời vẫn là “không”!

Nếu các cơ sở giáo dục cứ mãi chọn phương án lấy ý kiến đồng thuận của toàn thể phụ huynh mới mở lại trường học trực tiếp, rồi gặp tình trạng “chín người mười ý” mãi, e rằng điều này không khả thi.

Hơn nữa, không phải phụ huynh nào cũng hiểu rõ về dịch bệnh Covid-19, tâm lý lo lắng thái quá khiến họ không muốn cho con em trở lại trường cũng là điều dễ hiểu.

Thay vì lấy ý kiến đại trà như thế, ngành Giáo dục và ngành Y tế tại các địa phương nên đưa ra những thông tin mang tính khoa học, thuyết phục để phụ huynh hiểu và thực hiện theo. Không thể để cả bộ máy giáo dục địa phương bị đình trệ chỉ vì một số ý kiến trái chiều.

Năm qua, cả nước ta đã trải qua những tháng ngày dịch bệnh vô cùng căng thẳng, chúng ta cũng đã linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp khác nhau để nền giáo dục được vận hành, không gián đoạn.

Hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình, học qua các video clip do giáo viên thiết kế… đã tạo ra những thành quả nhất định trong thời điểm khó khăn đó.

Tuy nhiên, các hình thức dạy học trực tuyến chỉ phát huy hiệu quả khi toàn xã hội phải giãn cách, mọi người dân không được phép ra đường khi không thực sự cần thiết.

Còn hiện nay, hầu như mọi hoạt động của cả nước đang dần trở lại bình thường, thì việc dạy và học trực tuyến sẽ không còn hiệu quả nữa.

Nói cách khác, khi công chức, viên chức đã đến cơ quan làm việc trực tiếp, khi công nhân đã vào nhà máy làm việc, khi đường sá chợ búa đã tấp nập mà bắt học sinh, sinh viên phải ngồi ở nhà học trực tuyến thì tâm trạng nào các em học được?

Đã có những nghiên cứu cho thấy sức khỏe, tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng xấu sau một thời gian dài không được đến trường học trực tiếp; cũng có nhiều ý kiến phản ánh tình trạng học trực tuyến lâu quá, chất lượng thì kém mà lại nghiện game, giảm thị lực…

Hơn nữa, việc đóng cửa các trường học cũng chẳng có ý nghĩa gì cả khi hầu như chúng ta đã mở cửa mọi hoạt động khác. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không cho trẻ đến trường?

Điều quan trọng nhất là khi mở cửa lại trường học, việc thực hiện nghiêm các quy định, khuyến cáo của ngành Y tế được triển khai ra sao, sẵn sàng với các tình huống thế nào.

Tác giả: Trương Chí Hùng

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP