Sáng nay (22/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án luật sửa đổi bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là không quy định dịch vụ tổ chức dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trước đó, liên quan đến vấn đề học thêm, tại phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Dạy thêm, học thêm là vấn đề rất lâu gây bức xúc nhưng phải chia sẻ rằng, dạy thêm, học thêm là vấn đề tự thân nhưng chỉ chống dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng với mục tiêu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo về dạy thêm, học thêm, các chỉ thị để các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục uốn nắn và quản lý dạy thêm, học thêm đúng hướng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Cho đến nay, vấn đề dạy thêm, học thêm có xu hướng đi vào ổn định hơn nhưng luôn tiềm ẩn những hiện tượng dạy thêm, học thêm biến tướng thì trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải sát sao để cùng với lãnh đạo các địa phương và trực tiếp là các sở phải tăng cường giám sát. Nhưng giải pháp này chưa phải là gốc, giải pháp gốc là vẫn phải chỉnh lại chương trình làm sao cho gọn nhẹ.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay Bộ đang chỉ đạo rà soát để xây dựng chương trình sách giáo khoa mới, rà soát để lược bỏ những nội dung không nhất thiết, không phù hợp với chương trình và những nội dung trùng lặp để làm sao chương trình nhẹ hơn. Nhẹ hơn không có nghĩa là bỏ đi mà nó hợp lý hơn.
“Chúng tôi có những định hướng và đề nghị trách nhiệm của các chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục phải vào mạnh vấn đề này, bản thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể đi đến từng thầy, cô. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cục, vụ sẽ phối hợp sát sao hơn với các địa phương để chúng ta chấn chỉnh những hoạt động dạy thêm, học thêm biến tướng”- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói./.
Tác giả bài viết: Thu Thủy
Nguồn tin: