Trong tỉnh

Đầu xuân đi lễ Đền Củi - chốn tâm linh của người dân xứ Nghệ

Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, dù có bận trăm công ngàn việc thì nhiều người dân vẫn không quên lên chùa, đền thắp nhang cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn và hạnh phúc. Hoạt động đó đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt bao đời nay.

Đền Củi có tên chữ là Khu Độc Linh Từ, được tạo lập vào cuối đời nhà Lê, là nơi thờ ông Hoàng Mười nổi tiếng linh thiêng - hiện thân của vị tướng Lê Khôi (Nghĩa quân Lam Sơn), gọi Lê Lợi bằng chú. Ông có nhiều công lao trong công cuộc chống giặc Minh xâm lược. Đồng thời, ông là vị quan qua ba đời vua Lê làm đến chức Khâm sai tiết chế thủy, lục chư dinh hộ vệ thượng tướng quân.

Đền nằm trên địa bàn xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (ngay cạnh QL1A, cách thành phố Vinh chừng 10 km về phía Nam và cách Hà Tĩnh 40 km về phía Bắc). Tọa lạc trên núi Khu Độc, bên dòng sông Lam hữu tình, thơ mộng - một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong tâm thức dân gian của người dân Xứ Nghệ.

Cổng vào Đền Củi

Đến với Đền Củi, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời đất. Mùi khói nhang hay sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng và thanh tịnh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày.

Theo ghi nhận của PV, hàng ngày có hàng nghìn du khách thập phương đổ về Đền Củi khiến cảnh quan nơi đây nhộn nhịp, đông đúc, ô tô đậu kín các bãi giữ xe. Hai bên lối vào Đền, những dãy ki ốt buôn bán đủ loại hàng hóa như vòng đeo tay, hàng mã, đồ phong thủy, thức quà, nước giải khát… tấp nập người mua.

Không kể ngành nghề, tuổi tác hay giới tính, trước lúc vào Đền, ai cũng sắm cho mình đồ lễ như hoa quả, hương nhang, hàng mã. Đây là nét văn hóa của người Việt khi đi lễ đầu năm mới. Tuy nhiên, hiện việc mua sắm vàng mã để hành lễ đang bị “biến tướng”, trở thành điều nhức nhối trong cộng đồng.

Làm lễ ở Đền Củi

Một số người dân cho biết, năm nào gia đình họ cũng vào đi lễ tại Đền Củi. Nơi đây hết sức linh thiêng nên việc giới kinh doanh buôn bán sắm nhiều vàng mã, lễ vật là điều không thể thiếu. Cũng theo những người này, phong tục đốt vàng mã còn tùy vào cái tâm và mục đích của người thực hiện.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Sỹ Quý - thủ nhang Đền Củi cho biết: “Đốt vàng mã là tục lệ có từ lâu đời, bén rễ, ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam. Trong các dịp ngày rằm, mùng một hàng tháng đến ngày Tết, ngày cúng, giỗ tổ tiên ông bà, nhà nào cũng mua về đốt theo quan niệm trần sao âm vậy.

Điều đó cũng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, sự hiếu thảo đối với người đã khuất. Đồng thời bày tỏ sự tưởng nhớ, biết ơn và thương tiếc vô hạn của con cháu đối với những bậc tiền nhân”.

Du khách thập phương hành lễ tại Đền Củi

“Các loại tiền âm phủ, vàng mã được đốt với mong muốn người thân của mình có cuộc sống no đủ, không phải lo cảnh cơm áo gạo tiền ở thế giới bên kia. Việc mang ý nghĩa tốt đẹp nên hầu hết người dân đều mong muốn”, ông Quý nói thêm.

Cũng theo ông Quý, tại Đền Củi có điểm hóa vàng mã riêng, cách biệt với khu vực khấn bái. Hệ thống chống cháy được trang bị máy bơm công suất lớn với giá trên 100 triệu đồng. Công tác bảo vệ và dọn dẹp vệ sinh cũng được chú trọng. Nhà đền thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn và an ninh trật tự cho du khách thập phương về đây hành lễ.

Tác giả: Quốc Khánh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP