Giáo dục

Đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư mới, vẫn còn vướng mắc

Bên cạnh niềm vui của giáo viên khi việc đánh giá học sinh bớt áp lực sổ sách hơn, thì vẫn còn những nghi ngại.

Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học đã chính thức có hiệu lực từ ngày 6/11, thay thế Thông tư 30 trước đó.

Phụ huynh băn khoăn về sổ học bạ.

Bên cạnh niềm vui của giáo viên khi việc đánh giá học sinh bớt áp lực sổ sách hơn, thì vẫn còn những nghi ngại.

Phần lớn giáo viên khi được hỏi về thông tư 22, đều cho biết khá hài lòng và phấn khởi với cách đánh giá học sinh tiểu học mới, vì thực hiện đơn giản, giảm tải được khối lượng sổ sách.

Bà Ngô Thiện Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Nhân Tông, Quận 8, TP HCM nhất trí cách đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh theo ba mức: Tốt, Đạt và Cần cố gắng thay cho hai mức quy định trong Thông tư 30 là Đạt và Chưa đạt. Việc lượng hóa thành 3 mức như vậy sẽ giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển từng năng lực, từng phẩm chất sau một giai đoạn rèn luyện, phấn đấu của học sinh. Từ đó giáo viên, nhà trường, cha mẹ học sinh có những biện pháp kịp thời giúp đỡ học sinh phát huy những điểm tích cực, khắc phục những hạn chế để ngày một tiến bộ hơn.

Bà Ngô Thiện Tâm nói: “Giáo viên rất mừng vì áp lực hồ sơ sổ sách giảm xuống. Mức đánh giá năng lực của thông tư 22 có 3 mức thì hợp lý hơn là 2 mức, sẽ khó phân biệt học sinh. Phần khen thưởng cũng vậy, thông tư mới đưa vào những tiêu chí rõ ràng hơn, xứng đáng hơn”.

Nhiều giáo viên cũng đồng tình với điểm mới của thông tư 22 đó là có thêm bài kiểm tra định kì giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán ở lớp 4, lớp 5. Bởi đây là hai môn học công cụ, chiếm nhiều thời lượng hơn so với các môn học khác. Ngoài ra, việc này cũng tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra, đánh giá ở cấp trung học cơ sở và các cấp học cao hơn.

Để thực hiện đánh giá học sinh theo thông tư 22, nhiều trường cũng tổ chức họp giáo viên để thảo luận để lấy ý kiến về cách thực hiện thông tư này. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, nên giữ lại cách đánh giá bằng điểm số. Vì như vậy mới thấy rõ được năng lực cụ thể của học sinh.

Bà Nguyễn Thị Lê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Đa, quận Bình Thạnh, nói: “Giáo viên có tâm lý thoải mái nhưng dù sao thì người ta vẫn thích nhập điểm hơn. Phụ huynh học sinh vẫn thích nhìn điểm số hơn là những câu nhận xét. Bởi những câu nhận xét nhiều khi học sinh lớp 1 không biết. So ra với thông tư 30 cách đánh giá học sinh nhẹ hơn, nhưng tâm lý vẫn thích điểm số hơn, từ đó người ta mới biết cần rèn thêm ra sao, chứ lời nhận xét thì chung chung mà không rõ ràng”.

Nhiều giáo viên cũng tỏ ra thắc mắc về sổ Học bạ. Những năm trước là mẫu sổ Học bạ khác, năm nay lại theo mẫu mới. Vì vậy, giáo viên vẫn chưa biết học sinh có phải mua thêm Học bạ mới hay không, hay in mẫu mới kẹp thêm vào cuốn cũ./.

Tác giả bài viết: Ngọc Luân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP