Trong tỉnh

Đánh bắt hải sản - Khai thác hay tận diệt?

Việc đánh bắt thủy, hải sản theo hình thức tận diệt như sử dụng kích điện, súng bắn điện, lồng bát quái, lưới giã cào hay thuốc nổ là hành vi bị nghiêm cấm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển và làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, qua nhiều năm, tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.

Đầy rẫy vi phạm

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An liên tục phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Gần đây nhất là vào ngày 14/3/2018, trong lúc tuần tra kiểm soát tại khu vực cách đảo Hòn Ngư khoảng 1 hải lý về phía Đông Nam, lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Cảng Cửa Lò - Bến Thủy (BĐBP Nghệ An) đã phát hiện, bắt giữ 3 phương tiện sử dụng giã cào và giã điện đánh bắt hải sản trái phép.

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An kiểm tra tàu thuyền vi phạm khai thác hải sản. Ảnh: Phương Thảo

Các phương tiện bị bắt gồm thuyền số hiệu NA 4706TS do ông Trần Văn Tình (39 tuổi), quê quán xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu làm chủ đang khai thác thủy sản bằng giã cào trái tuyến; thuyền không có số hiệu do ông Nguyễn Doãn Đoàn (44 tuổi), quê quán khối Tân Nho, phường Nghi Hải, TX. Cửa Lò làm chủ và phương tiện mang số hiệu HT 2015TS do ông Nguyễn Văn Nhâm (56 tuổi), quê quán xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đang có hành vi khai thác hải sản bằng giã điện.

Cùng ngày, tàu kiểm ngư Nghệ An đang tuần tra, kiểm soát trên biển thì phát hiện 2 tàu cá của ngư dân đang sử dụng kích điện để đánh bắt hải sản gần bờ, đó là tàu của ngư dân Nguyễn Văn Triều ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu và Vũ Sỹ Thành ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Qua kiểm tra, lực lượng Kiểm ngư Nghệ An phát hiện ở trên 2 tàu này chứa 2 bộ kích và hàng trăm mét dây điện.

Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, lực lượng thanh tra Chi cục Thủy sản Nghệ An đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 23 phương tiện, trong đó 16 phương tiện sử dụng công cụ kích điện, 4 phương tiện khai thác trái tuyến, tổng số tiền xử phạt 121 triệu đồng, tịch thu 16 bộ kích điện, 70m dây điện.

Những hành vi trên đều không được pháp luật cho phép bởi đó là hình thức khai thác mang tính tận diệt, để lại tác hại lớn và lâu dài cho môi trường tự nhiên, nhất là khu vực gần bờ. Đơn cử như đối với giã cào, cách thức tiến hành là giăng lưới mành có lỗ rất nhỏ dàn hàng ngang, tàu đi đến đâu sẽ gom tất cả các loài thủy, hải sản đến đấy. Với cách đánh bắt này, cá tôm nhỏ cũng không thoát được, các rạn san hô ngầm bị tàn phá.

Theo quy định, các tàu giã cào công suất lớn chỉ được cấp phép đánh bắt ở ngoài khơi và một số vùng biển nhất định. Thế nhưng, cứ đến mùa các loại thủy, hải sản vào bờ sinh sản, nhiều tàu giã cào đã bất chấp quy định, khai thác trái tuyến, ép sát bờ để tận thu.

Phổ biến hơn là tình trạng dùng thuốc nổ, súng bắn điện để đánh bắt. Chỉ cần đấu nối đơn giản từ một bộ kích điện đến bình ắc quy và đôi càng làm bằng sắt rồi gắn trước mũi tàu, hệ thống này đã tạo nên nguồn xung điện rất mạnh, có khả năng hủy diệt nhiều loài thủy, hải sản trong phạm vi gần.

Cần giải pháp lâu dài

Theo ông Trần Châu Thành - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Thủy sản Nghệ An, đối với các tàu được quy định đánh bắt ở vùng khơi và vùng lộng nhưng vẫn vào khai thác ở gần bờ, hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, tránh mọi sự kiểm soát của lực lượng thanh tra, cảnh sát biển...

Trong khi đó, về phía lực lượng chuyên trách lại mỏng về cả nhân lực và vật lực nên rất khó để bao quát. Còn đối với tình trạng dùng các thiết bị cấm để khai thác thủy, hải sản của bà con ngư dân vùng bờ, nguyên nhân chính bắt nguồn từ điều kiện kinh tế khó khăn, họ không có đủ vốn để chuyển đổi phương tiện công suất lớn đánh bắt vùng khơi xa. Trong khi đó, chỉ cần bỏ ra vài chục đến vài trăm nghìn đồng là họ đã có thể mua thuốc nổ, dây điện để sử dụng, vừa thuận tiện lại cho sản lượng cao, từ đó nảy sinh ra câu chuyện tận thu theo kiểu tận diệt.

Từ những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài dai dẳng tình trạng trên, các lực lượng chức năng Nghệ An cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ sinh kế lâu dài cho người dân vùng ven biển. Đối với các tàu khai thác trái tuyến, phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định để tăng tính răn đe, tăng cường kiểm tra kết hợp nhận tin báo từ người dân.

Tại Chi cục Thủy sản Nghệ An, trong quý I/2018 đã nhận được 32 cuộc gọi qua đường dây nóng, trong đó 11 cuộc gọi báo có tàu giã kéo khai thác gần bờ, 2 cuộc gọi báo có tàu sử dụng kích điện khai thác thủy sản. Nhờ đó mà lực lượng chức năng nhanh chóng tiếp cận các trường hợp vi phạm và xử lý kịp thời.

Với những ngư dân hoạt động đánh bắt ven bờ theo kiểu tận diệt, cần tăng cường tuyên truyền và có phương án chuyển đổi nghề nghiệp, tạo kế sinh nhai cho họ. Hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích việc đầu tư đóng tàu lớn vươn khơi bám biển và quan tâm chú trọng đến việc đánh bắt có địa chỉ ngư trường theo chuỗi cung cấp hải sản sạch. Hiện thực hóa chủ trương đó một cách hiệu quả là giải pháp lâu dài để ngăn chặn tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt nói trên.

Kích điện và các chất liệu nổ dùng để đánh bắt thủy, hải sản bị thu giữ. Ảnh: Phương Thảo

Bên cạnh đó, giải pháp mang tính then chốt là phải làm thế nào để người dân hiểu được những hệ lụy từ hoạt động đánh bắt trái phép, giúp họ nhận thức được việc chấm dứt khai thác thủy, hải sản tận diệt là cách tốt nhất để tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản tự nhiên, duy trì nguồn sống lâu dài của chính họ.

Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất cao trong công tác đấu tranh ngăn chặn, giữ gìn hệ sinh thái vùng biển.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 14, Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc sử dụng ngư cụ khai thác kiểu hủy diệt trên biển sẽ bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng.

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP