Thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân (ảnh minh họa: Mai Chi) |
Cú bứt tốc đầu phiên sáng ngày 8/3 vẫn không thể nào tạo ra đột phá cho diễn biến thị trường chứng khoán. Với áp lực chốt lời mạnh, chỉ số VN-Index đến sát vùng 1.184 điểm liền lập tức bị bật trở lại và sau đó rung lắc quanh vùng tham chiếu.
Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,42 điểm tương ứng 0,04% còn 1.168,27 điểm. VN30-Index giảm 3,83 điểm tương ứng 0,33% còn 1.170 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 3,61 điểm tương ứng 1,39% lên 262,42 điểm và UPCoM-Index tăng 0,86 điểm tương ứng 1,09% lên 79,42 điểm.
Thanh khoản thị trường đạt 652,7 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 15.584,77 tỷ đồng và 143,29 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 2.093,86 tỷ đồng; trên UPCoM là 78,25 triệu cổ phiếu tương ứng 1.228,55 tỷ đồng.
Ở phiên này, tình trạng "đơ nghẽn" vẫn tiếp tục xảy ra trên sàn HSX. Một sự cố đáng chú ý là ngay từ đầu phiên sáng, các nhà đầu tư mở tài khoản ở Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã phải "bó tay toàn tập" khi không thể truy cập ứng dụng lẫn website để đặt lệnh. Theo đó, trong khi thị trường tăng đầu phiên, những khách hàng này không thể chốt lời.
Tương tự như tuần trước, dòng tiền đã chuyển hướng từ nhóm trụ và ưu tiên chảy sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Dễ thấy rõ điều này thông qua mức tăng 1% và 1,92% của VNMidcap-Index và VNSmallcap-Index so với mức giảm 0,33% tại VN30-Index.
Nhiều cổ phiếu nhỏ thăng hoa: TMT, VPH, ASP, CCL, DRH, GEG, HCD, HQC, PIT, PLP, TDG, TTF, FCN, FCM… tăng trần đồng loạt, hầu hết không có dư bán và có dư mua trần. Trong số này có cổ phiếu bất động sản và thép.
Cổ phiếu dầu khí cũng tiếp tục đồng thuận tăng giá trong bối cảnh dầu Brent tương lai đang tiệm cận vùng 70 USD/thùng, tương ứng với mức đỉnh mới trong năm 2021. GAS tăng 2,1%, BSR tăng 3,1%; OIL tăng 5,4% trong khi PVD, PVS đều đóng cửa trên tham chiếu. PXI, PXT tăng trần.
Theo nhận xét của Chứng khoán SSI, khối lượng khớp lệnh trên HSX phiên hôm qua đã tăng 10,4%, đạt 627,5 triệu đơn vị, tiệm cận mức bình quân 50 phiên. Thế nhưng, động thái rất đáng chú ý của khối nhà đầu tư nước ngoài là khối ngoại lại nối dài trạng thái bán ròng trên HSX với quy mô 1.247 tỷ đồng.
Trong đó, hoạt động xả ròng tập trung tại POW với giá trị bán ròng lên tới 213 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên mua ròng PLX 62 tỷ đồng, VRE 26.4 tỷ đồng…
Tính chung cả 12 phiên giao dịch vừa qua, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 7.065 tỷ đồng trên sàn HSX.
Trên toàn thị trường, khối ngoại mua vào 25,5 triệu cổ phiếu, trị giá 940 tỷ đồng, nhưng bán ra đến 61 triệu cổ phiếu, trị giá 2.204 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 35,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 1.263 tỷ đồng.
Việc khối ngoại liên tục bán ra và đặc biệt là cổ phiếu trụ bị chốt lời mạnh mẽ, thế nhưng trạng thái thị trường vẫn đi ngang, chứng tỏ lực cầu của nhóm nhà đầu tư đầu tư cá nhân trong nước vẫn rất khỏe. Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường nhìn chung vẫn đang vững vàng.
Theo nhận định của chuyên gia chứng khoán tại MBS, thị trường tiếp tục dao động trong vùng tích lũy sang tuần thứ 3 và dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Điểm tích cực là động rộng thị trường vẫn khả quan và dòng tiền tiếp tục tăng lên.
Về xu hướng, việc chỉ số đi ngang trong khi mặt bằng cổ phiếu đi lên là dấu hiệu cho thấy thị trường khỏe. Do vậy, kịch bản để chỉ số đi ngang khi độ rộng thị trường vẫn tích cực nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong các phiên sắp tới.
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 2/2021 có gần 2,88 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước, trong đó, hơn 2,86 tài khoản là của nhà đầu tư cá nhân. Chỉ tính riêng trong tháng 2/2021 đã có hơn 57.000 tài khoản cá nhân được mở mới. Con số này "hạ nhiệt" so với thời gian trước, nhưng đây là tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ giao dịch 15 phiên nên con số này cũng ở mức rất cao. |
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí