Theo báo cáo các chuyên gia tại Hội nghị, các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sản. Chỉ còn một số khu vực có dòng xoáy cục bộ cách bờ 1,5 km trở ra như Sơn Dương (Hà Tĩnh), phía Đông của Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế), khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Còn hệ sinh thái, san hô, nguồn lợi thủy sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường đã có dấu hiệu hồi phục.
Dân Việt đã trao đổi với ngư dân và các đơn vị liên quan ở Hà Tĩnh và Quảng Bình xung quanh công bố này.
Ông Lê Xuân Hùng, thôn trưởng thôn Mai Lâm xã Mai Phụ huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh):
Gần 5 tháng qua sau, sự cố môi trường người dân nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề. Cả thôn Mai Lâm có 45 hộ gia đình nuôi ngao thương phẩm, sản lượng hàng năm ước đạt 1000 tấn. Tuy nhiên từ ngày cá biển chết hàng loạt người tiêu dùng tẩy chay cả sản phẩm ngao nuôi của người dân. Việc công bố chất lượng nước biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đạt chuẩn là tín hiệu vui, mong rằng sản phẩm ngao không chỉ ở Mai Phụ mà dọc bờ biển 4 tỉnh này sớm được người dân tin dùng”.
Ngư dân ở thôn Hải Phong xã Kỳ Lợi thị xã Kỳ Anh mong muốn công bố rõ hơn về vùng biển sạch, an toàn để họ an tâm ra khơi.
Ông Nguyễn Đình Hưởng - PGĐ HTX Hùng Mạnh ở xã Thạch Kim (chuyên thu mua thủy hải sản ở huyện Lộc Hà):
Nói về thiệt hại thì không đếm xuể, từ ngày cá chết đến công bố nguyên nhân thủ phạm là Formosa, hơn 3 tháng HTX chúng tôi có nhiệm vụ thu mua hải sản cho ngư dân nhưng không bán được, mỗi tháng chi phí cho bảo quản lên đến 60 triệu đồng. Tuy nhiên từ ngày công bố nguyên nhân đến nay khoảng 2 tháng ngư dân bắt đầu ra khơi đánh bắt, HTX cũng quay lại kinh doanh nhưng giá cả xuống thấp, mua vào nhưng bán ra gặp vô cùng khó khăn, người tiêu dùng vẫn tẩy chay hàng hải sản. Hôm nay các cơ quan chức năng công bố chất lượng nước biển an toàn rồi thì nhà nước phải có giải pháp, chính sách thúc đẩy tiêu thụ hải sản thì mới hy vọng thoát khỏi “vòng u ám” này.
Ngư dân Nguyễn Xuân Thành, một người chuyên lặn biển đánh bắt thủy sản ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh):
Để khẳng định các loại chất thải của Formosa không còn ở dưới đáy biển thì cần xem lại. Cụ thể như chất sắt là kim loại nặng sau khi thải xuống biển sẽ nằm sâu giữa các tầng cát dưới đáy biển nếu không xử lý triệt để thì nguy hại lâu dài. Ngư dân chúng tôi rất mong muốn nhà nước sớm công bố rõ ràng hơn vùng biển nào an toàn để chúng tôi đánh và người dân an tâm tiêu thụ hải sản. Vì ngư dân ở Hà Tĩnh nói chung và Kỳ Anh nói riêng chủ yếu đánh bắt gần bờ.
Cá ở vùng biển bãi ngang sau sự cố Formosa trở nên khan hiếm, chỉ còn các loại cá nhỏ (Ảnh chụp sáng 22.8, ở xã Ngư Thủy Bắc).
Bà Trương Thị Mười, Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình:
Từ khi có hiện tượng cá chết do Formosa gây ra đến nay, mặc dù được nhà nước trợ giá 20% cho doanh nghiệp, nhưng lượng cá chúng tôi mua vào của ngư dân vẫn không thể tiêu thụ được. Hiện tại các kho đông của chúng tôi đều nằm trong tình trạng đầy ắp. Điều chúng tôi mong muốn nhất là các cơ quan chức năng cần làm rõ, cụ thể mức độ an toàn của cá biển, từ đó tăng cường tuyên truyền hơn nữa để người dân biết, yên tâm sử dụng cá trở lại. Chỉ cần người dân yên tâm ăn cá trở lại, thị trường sẽ tự điều tiết, ngư dân và doanh nghiệp sẽ sống tốt.
Bà Nguyễn Thị Tám - chủ cơ sở chế biến hải sản Long Tám, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình:
Thời gian qua không chỉ việc thu mua nguyên liệu của cơ sở khó khăn do tàu không ra khơi mà sản phẩm của cơ sở như nước mắm, cá khô, mắm… đều không thể tiêu thụ được vì tâm lý của khách hàng cứ nghĩ rằng những sản phẩm này đều lấy từ nguồn nguyên liệu đánh bắt ở vùng biển nhiễm độc, mặc dù trên thực tế chúng tôi đều mua nguyên liệu từ tàu đánh bắt xa bờ, có giấy chứng nhận hải sản an toàn để chế biến. Làm thế nào để người dân tin tưởng yên tâm tiêu thụ hải sản và các sản phẩm chế biến từ hải sản… trong thời điểm hiện này quả thật là khó khăn.
Ngư dân Trần Quang Liệu ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình:
Tuy nhiên, thông tin mà chúng tôi mong đợi nhất là con cá chúng tôi đánh bắt ở vùng biển gần bờ nêu trên đã thực sự an toàn với sức khỏe người tiêu dùng chưa thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Thực tế, sau một thời gian dài nằm bờ, chúng tôi cũng đã kéo thuyền ra khơi nhưng lượng cá đánh bắt được giảm khủng khiếp so với trước đây, trong khi vào bờ giá bán cũng chưa đạt 50% so với trước đây nên cuộc sống chúng tôi rất khó khăn. Vẫn câu nói cũ, khi nào người dân tin tưởng tiêu thụ cá của chúng tôi thì chúng tôi mới trở lại cuộc sống ổn định như trước đây được…
Tác giả bài viết: Hữu Anh
Nguồn tin: