Sinh năm 1984, tốt nghiệp Khoa Cơ khí chế tạo máy Đại học Công nghiệp Hà Nội, chàng kỹ sư quê ở Nghệ An Trần Nguyên Thế đã có kinh nghiệm 10 năm làm việc trong môi trường thực tế tại Hà Nội. Với anh, mỗi sáng kiến, sáng tạo đơn giản chỉ là đáp ứng đòi hỏi của công việc và tăng hiệu quả năng suất lao động, giảm sức người trong mỗi công đoạn.
Kỹ sư Trần Nguyên Thế.
Nói về sáng tạo thiết kế máy in ngày tháng sản xuất và dán tem tự động cho dây chuyền lắp ráp đèn Compact của mình, kỹ sư Trần Nguyên Thế - Trưởng nhóm sáng tạo cho biết: Trước đây, công việc dán tem bảo hành chống hàng giả được thực hiện thủ công, hoàn toàn bằng tay.
Người lao động sẽ bóc tem từ một tấm khổ lớn sau đó dán vào khớp giữa của bầu nhựa và lắp keo. Mỗi dây chuyền bao gói như vậy cần 2 người thực hiện. Với khâu đánh dấu thời gian sản xuất cũng vậy, người lao động phải dùng dấu gỗ đóng lên các hộp bóng đèn. Lượng lao động sử dụng cho công đoạn này là 0,5 lao động/ca.
Tuy nhiên với cách làm như trên, theo kỹ sư Thế không đạt được hiệu quả mong muốn xác định nguồn gốc sản phẩm do khi nhận đèn bảo hành về thường sẽ không nhận lại được bao bì mà chủ yếu là bóng đèn. Vì vậy, không xác định được chính xác thời điểm sản xuất lô đèn.
Với mong muốn nâng cao hiệu quả công việc, nhóm sáng kiến do kỹ sư Thế và 3 cộng sự cùng công ty đã chủ động nghiên cứu thiết kế máy dán tem bảo hành chống hàng giả và in dấu thời gian sản xuất lên sản phẩm.
Theo đó, đối với khâu dán tem bảo hành, nhóm đã khảo sát và tiến hành tính toán thiết kế máy dán tem bảo hành hoàn toàn tự động, chỉ sử dụng 1 người thực hiện đưa bóng đèn vào máy.
Riêng đối với khâu in dấu trên bao bì, sau quá trình nghiên cứu, nhóm đã đưa ra phương án in dấu thời gian sản xuất lên bầu nhựa bằng việc đầu tư thiết bị in phun laze được tích hợp trên máy dán tem. Kết quả, khi đưa máy vào thực hiện giảm được 0,5 người/dây chuyền và đảm bảo được việc truy tìm nguồn gốc sản phẩm khi ra thị trường.
Với thiết bị trên, kỹ sư Thế đóng góp 70% công sức sáng tạo, phần còn lại là sự hỗ trợ của 3 cộng sự cùng công ty.
Chia sẻ về hiệu quả của sản phẩm sáng tạo, kỹ sư Trần Nguyên Thế cho biết: Trước đây, 6 dây chuyền lắp ráp cần tới 15 người thực hiện, từ khi có máy móc thay thế, giảm xuống chỉ cần 6 người thực hiện.
Nếu trước khi có máy, với cách làm thủ công chỉ đạt được khoảng 2.300 sản phẩm/ 1 giờ thì từ khi có máy móc thay thế đã đạt được hơn 4.000 sản phẩm/1 giờ. Việc áp dụng thiết bị mới còn giúp giảm việc sai số, sai lệch vị trí, thậm chí bị bong tróc tem khi thực hiện dán tem thủ công.
Đặc biệt, chi phí về nhân công, tiền lương và các chế độ khác tính của 9 lao động giảm được, tính ra tiết kiệm được gần 100 triệu đồng/tháng và lên tới 1 tỉ đồng/năm.
Được biết, ngoài sáng kiến này, trước đó, kỹ sư Trần Nguyên Thế đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo được áp dụng vào sản xuất, giúp tăng tuổi thọ vật liệu, tăng năng suất lao động, giảm sức người phải lao động thủ công. Hiện, kỹ sư Thế cũng đang chủ trì đề tài nghiên cứu, chế tạo máy bao gói bóng đèn, giúp giảm việc bao gói sản phẩm bằng tay.
Nói về kỹ sư Thế, bà Nguyễn Thị Hồng Yến - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết: Hằng năm, kỹ sư Trần Nguyên Thế đều đạt Lao động giỏi xuất sắc cấp Công ty.
Riêng với sáng kiến trên, kỹ sư Thế được LĐLĐ quận Thanh Xuân tặng bằng khen và được Hội đồng Thi đua đề xuất Ban Thi đua khen thưởng Thành phố xét khen thưởng danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” năm 2016.
Tác giả bài viết: Lan Ngọc