Kinh tế

Đại gia sân bay lãi thêm nghìn tỷ nhờ tăng giá dịch vụ

Điều chỉnh phí cất hạ cánh, dịch vụ hành khách và an ninh hàng không giúp lợi nhuận sau thuế của ACV dự kiến tăng thêm 1.047 tỷ đồng.

Đầu tháng 8, Bộ Giao thông Vận tải chính thức ban hành khung giá mới đối với một số dịch vụ tại các cảng hàng không và sân bay. Quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10 được đánh giá sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã CK: ACV) – đơn vị độc quyền quản lý và vận hành 22 cảng hàng không dân dụng.

Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM, lợi nhuận sau thuế của “đại gia sân bay” sẽ tăng khoảng 142 tỷ đồng ngay trong những tháng cuối năm nhờ hưởng lợi từ việc điều chỉnh giá. Đến năm 2018, con số này ước tính tăng thêm 1.047 tỷ đồng.

ACV là đơn vị hưởng lợi nhiều nhất từ việc Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá mới đối với một số dịch vụ hàng không.

Lộ trình tăng giá phục vụ hành khách được chia thành bốn giai đoạn, kéo dài từ nay đến đầu tháng 7/2018. Ba dịch vụ sẽ được điều chỉnh giá đối với cả hành khách nội địa và quốc tế bao gồm: phí dịch vụ hành khách, phí dịch vụ an ninh hàng không và phí cất, hạ cánh.

Trong giai đoạn đầu, phí dịch vụ hành khách đối với các chuyến bay nội địa tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, vào khoảng 67.900 đồng. Phí dịch vụ an ninh mới áp dụng đối với hành khách quốc tế và nội địa đều tăng 33% so với trước đây, lần lượt là 2 USD và 11.818 đồng một lượt..

Giá cất và hạ cánh các chuyến bay được điều chỉnh tăng 5% với lộ trình đến cuối tháng 6/2018, sau đó tăng thêm 10%. Ngoài ra, mức giá trong khung giờ cao điểm sẽ tăng 15% so với giờ bình thường. Tổng chi phí cất và hạ cánh của ba hãng hàng không nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jestar Pacific dự kiến tăng thêm khoảng 143 tỷ đồng mỗi năm khi mức giá mới được áp dụng.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc quá tải vào các giờ cao điểm tại một số cảng hàng không hiện nay chủ yếu do sản lượng và tốc độ tăng các chuyến bay quốc nội. Áp chính sách giá cất, hạ cánh với chuyến bay quốc nội theo khung giờ sẽ giúp các hãng hàng không nội địa điều chỉnh giờ bay, đảm bảo phù hợp với năng lực khai thác của các sân bay. Đồng thời, bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và có nguồn tích lũy để nâng cấp, đầu tư mới đường băng, đường lăn trong bối cảnh ngân sách hạn chế.

Dựa trên khung giá dịch vụ hàng không trước đây, Tổng công ty Cảng hàng không đặt mục tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay lần lượt đạt 13.293 tỷ đồng và 3.669 tỷ đồng. Kế hoạch này cũng chưa tính đến hoạt động của khu bay và ảnh hưởng chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ mà chủ yếu là khoản nợ vay ODA bằng đồng yên Nhật.

Sáu tháng đầu năm, công ty ghi nhận luỹ kế doanh thu thuần đạt 6.918 tỷ đồng. Trong đó, dịch vụ cất hạ cánh đóng góp khoảng 14% vào tổng doanh thu. Dù chi phí quản lý doanh nghiệp thay đổi theo hướng tích cực, nhưng lợi nhuận sau thuế giai đoạn này đã “bốc hơi” 382 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, xuống còn 1.711 tỷ đồng do nguồn thu hoạt động tài chính và phần lãi trong công ty liên doanh – liên kết giảm mạnh.

Kết quả kinh doanh được điều chỉnh cũng tác động không nhỏ đến giá trị tài sản. Theo đó, tổng tài sản soát xét của doanh nghiệp này tăng hơn 520 tỷ đồng do thay đổi giá trị hao mòn luỹ kế của tài sản cố định hữu hình và các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên doanh, liên kết. Báo cáo sau kiểm toán ghi nhận phát sinh khoản cổ tức phải trả lên đến 1.306 tỷ đồng, điều này góp phần khiến tổng nợ phải trả của công ty tăng đột biến lên mức 23.079 tỷ đồng.

Trong năm nay, công ty sẽ triển khai 6 dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng hàng không với tổng mức đầu tư lên đến 6.050 tỷ đồng. Trong đó, dự án mở rộng sân đỗ máy bay rộng 21 ha và nhà ga hành khách quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư lớn nhất, ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ACV đang đàm phán thương vụ bán 20% cổ phần cho đối tác chiến lược Tập đoàn Sân bay Paris (Aeroports de Paris - ADP, Pháp). Theo yêu cầu của Thủ tướng, thời hạn được ấn định để hoàn tất thương vụ này là cuối tháng 9. Nếu không thể đi đến thoả thuận cuối cùng, công ty dự kiến triển khai phương án dự phòng là bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư tài chính.

Tổng công ty Cảng hàng không là một trong số doanh nghiệp chủ chốt của ngành hàng không Việt Nam, đảm nhiệm công tác quản lý các sân bay dân dụng. Tổng công ty được thành lập vào đầu năm 2012 khi Bộ Giao thông vận tải quyết định hợp nhất tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam nhằm tập trung nguồn lực và giải bài toán nguồn vốn.

Tác giả: Phương Đông

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: lãi khủng ,đại gia ,sân bay

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP