CTCP Vicostone (VCS) của đại gia gốc Nam Định Hồ Xuân Năng (thường được gọi với cái tên Năng Do Thái) vừa công bố lịch chốt danh sách cổ đông thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 20% (tương ứng 2.000 đồng cho 1 cổ phiếu).
Theo đó, Vicostone sẽ chốt danh sách cổ đông vào 21/8 và sẽ thanh toán khoản cổ tức này vào ngày 30/08/2019.
Trong đợt 1, Vicostone đã thanh toán cổ tức bằng tiền 20%. Như vậy, tổng cộng mức cổ tức đã là 40%.
Mức cổ tức bằng tiền mặt này là khá cao so với mặt bằng chung trên thị trường và khá bất ngờ bởi doanh nghiệp của kỹ sư Hồ Xuân Năng hơn 1 năm qua ngập trong khó khăn.
Vicostone chi trả thêm cổ tức khi giá cổ phiếu VCS gần đây tăng vọt, thêm 45% trong vòng 1 tháng rưỡi qua, từ mức 60 ngàn đồng/cp hồi đầu tháng 7 lên gần 90 ngàn đồng/cp như hiện tại, tương đương doanh nghiệp có vốn hóa tăng thêm 4,3 ngàn tỷ đồng.
Vicostone vừa công bố kết quả quý 2 và hai quý đầu năm ấn tượng, với doanh thu 6 tháng tăng 17% lên trên 2,5 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thế tăng gần 30% lên 670 tỷ đồng. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt gần 4.000 đồng.
Ông Hồ Xuân Năng. |
Cổ phiếu VCS tăng mạnh trong hơn 1 tháng qua trong bối cảnh toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực giảm rất lớn do những tác động không mong muốn từ thị trường tài chính thế giới, với những nguy cơ suy giảm kinh tế từ một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và bất ổn địa chính trị trên phạm vi toàn cầu.
Sở dĩ doanh thu và lợi nhuận của Vicostone tăng mạnh trở lại là hoạt động xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, trong đó có Mỹ tăng mạnh sau khi Mỹ áp thuế cao (25% thuế nhập khẩu, bên cạnh thuế chống trợ cấp từ vài chục cho tới gần 180%) đối với các sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh đến từ Trung Quốc trong năm 2018.
Theo báo cáo 2018, phần lớn doanh thu từ thị trường xuất khẩu của Vicostone với 66% đến từ châu Mỹ, 21% từ châu Úc, 11% từ châu Âu.
Dự báo xuất khẩu sang Mỹ sẽ tích cực hơn khi thị trường Mỹ tiêu thụ hết lượng đá khổng lồ nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2018, trước thời điểm bị áp thuế.
Trước đó, Vicostone của ông Hồ Xuân Năng gặp áp lực lớn từ thị trường Mỹ và cũng chịu áp lực lớn ngay trên thị trường nội địa mà chủ yếu là các nhà sản xuất sử dụng công nghệ Trung Quốc với mức đầu tư thấp; ngoài ra là những khó khăn trong chiến lược xoay chuyển về nội lực khi hết độc quyền với Breton.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi từ tình trạng phụ thuộc gần như toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu sang chủ động nguyên liệu đầu vào cũng như hướng về thị trường nội địa thay vì dựa hoàn toàn vào xuất khẩu,... cũng khiến giới đầu tư lo ngại vào triển vọng của doanh nghiệp.
Ông Hồ Xuân Năng được biết đến là một người kinh doanh nhạy bén và có bộ óc của người Do Thái sau cú thâu tóm kinh điển diễn ra cách đây 4 năm.
Ông Năng là cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ NN-PTNT và bước chân sang kinh doanh vào thời điểm chuyển giao sang thiên niên kỷ mới, với vị trí là thư ký chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex trước khi trở thành giám đốc một công ty con nhỏ bé của TCT này.
Tuy nhiên, chỉ hơn thập kỷ sau, từ những vị trí rất thấp, ông Năng đã trở thành ông chủ Vicostone, một công ty con của Vinaconex. Ông Hồ Xuân Năng, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone, chính là người sau đó đã thâu tóm tới 99% cổ phần công ty đi thâu tóm và trở thành ông chủ của Phenikaa.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu lớn nhỏ đồng loạt giảm điểm sau cú sốc giảm 800 điểm trên TTCK Mỹ trong bối cảnh đường cong lợi tức trái phiếu Mỹ đảo ngược, một tín hiệu về suy thoái kinh tế.
Gần như toàn bộ các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm giá. Nhóm cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng giảm mạnh, nhóm ngân hàng, tài chính, dầu khí và kể cả nhóm bất động sản công nghiệp và cảng biển... đều giảm điểm.
Làn sóng bán tháo trên TTCK Mỹ đêm qua lan sang châu Á.
Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.
Theo BSC, thanh khoản ở mức thấp cũng cho thấy nhà đầu tư vẫn đang duy trì tâm lí thận trọng trước những diễn biến vĩ mô khó lường trên thế giới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/8, VN-Index tăng 2,08 điểm lên 968,91 điểm; HNX-Index giảm 0,31 điểm xuống 101,98 điểm và Upcom-Index giảm 0,01 điểm xuống 57,14 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 4,0 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet