Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Cà Mau có 33 sản phẩm được công nhận, chứng nhận sản phẩm Ocop (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Trong đó, có 3 sản phẩm 4 sao và 30 sản phẩm 3 sao.
Hầu hết sản phẩm Ocop thuộc nhóm thực phẩm. Đặc biệt, hầu như các đặc sản của Cà Mau như cua, tôm, ba khía… đều có mặt.
Nhiều nhất là các sản phẩm từ tôm, như bánh phồng tôm (38% tôm), bánh phồng tôm (tôm sú), bánh phồng tôm (tôm đất), tôm khô, tôm rang, chà bông tôm, tôm khô sinh thái, tôm xẻ, tôm khô tách vỏ,...
Sản phẩm cua có thịt cua sinh thái, cua biển Năm Căn... Ngoài ra, còn một số loại cũng được xem là đặc sản ở Cà Mau, như cá khô bổi (cá sặc), ba khía muối, chả cá phi, dưa bồn bồn, bánh phồng hàu…
Cua Cà Mau... |
Tôm đất khô |
... và ba khía ở Cà Mau là những đặc sản của tỉnh này đều được "lên sàn" Ocop (Ảnh minh họa). |
Trong báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau kết quả thực hiện chương trình Ocop, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, tỉnh có nhiểu sản phẩm nông nghiệp có thể tham gia chương trình Ocop.
Các sản phẩm OCop đã góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương. Qua chương trình này, việc tổ chức sản xuất đã được quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu...
UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, việc thực hiện chương trình Ocop là quá trình liên tục, lâu dài, theo lộ trình phù hợp với điều kiện, nguồn lực của địa phương, kết quả thực hiện phải thực chất, không nóng vội, chủ quan, chạy theo thành tích. Trong đó, chủ thể được khuyến khích tham gia phát triển những ý tưởng sản phẩm mới, cách làm hay, đảm bảo tính bền vững của từng sản phẩm. |
Tuy nhiên, Cà Mau cũng gặp không ít khó khăn, do là địa bàn vùng sâu vùng xa, hầu hết các chủ thể tham gia sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khả năng xúc tiến thương mại còn yếu, tiêu thụ nông sản ở dạng sơ chế hoặc nguyên liệu thô, mẫu mã đơn giản, giá trị gia tăng chưa cao...
Trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Cà Mau đưa ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm Ocop đạt 5 sao và 90 sản phẩm đạt 3 - 4 sao.
Trong đó, có hướng đến xây dựng và phát triển các mô hình du lịch "lên sàn" OCop, như du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng...
Nguồn kinh phí thực hiện chương trình Ocop cho giai đoạn này là hơn 302 tỷ đồng, trong đó vốn chủ thể tham gia là hơn 102 tỷ đồng.
Tác giả: Huỳnh Hải
Nguồn tin: Báo Dân trí