Trong tỉnh

Đặc sắc ngày Tết Độc lập của đồng bào miền Tây xứ Nghệ

Với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi ở Nghệ An, ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm được gọi là ngày “Tết Độc lập”. Đây được xem là ngày hội lớn trong năm, kết nối các cộng đồng lại với nhau.

Những con đường lớn hay các làng bản ở vùng cao Nghệ An được treo cờ đỏ sao vàng mừng ngày Tết độc lập.

Có lẽ chẳng còn mấy ai nhớ rằng từ bao giờ Lễ Quốc khánh (2/9) được người dân vùng cao Nghệ An gọi là ngày “Tết Độc lập”.

Với người đồng bào miền núi xứ Nghệ ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu... thì Tết Độc lập là một dịp vui lớn trong năm. Ngày được trẻ nhỏ mong ngóng như Tết nguyên đán, người lớn thì có dịp nghỉ ngơi việc làm lụng sau những ngày vất vả ở trên nương rẫy.

Trong ngày Tết Độc lập, một điều rất chung dễ nhận thấy ở mỗi làng bản là những con đường lớn nhỏ trong bản đều trang hoàng cờ đỏ sao vàng. Ban quản lý các thôn bản còn vận động người dân treo cờ tổ quốc trước nhà. Ở nhiều bản người ta còn mổ gà, mổ thịt trâu, mở rượu cần ăn mừng. Với nhiều làng bản, chẳng biết từ bao giờ ngày Tết Độc lập đã thành một phong tục.

Mâm cúng của đồng bào Thái trong ngày Quốc khánh 2/9.

Ở huyện Con Cuông, tại nhiều bản của người Thái nhóm Tày Mường, ngày mồng 2/9 thực sự là ngày hội. Sáng dậy mọi nhà đã mổ gà xong, một bữa cơm gia đình mừng Tết Độc lập diễn ra trong không khí ấm cúng.

Cũng như ngày Tết Nguyên đán, ngày Tết Độc lập người ta thường tránh nói với nhau những điều không hay. Sau bữa ăn sáng, mọi người có thể đi chơi trong bản gần, bản xa. Những nhà có điều kiện kinh tế người ta còn mời họ hàng thân thích đến chung vui, cốt để thắt chặt tình cảm họ hàng, cộng đồng. Ngày nay, vào ngày Tết Độc lập, giới trẻ nơi đây đã biết tìm đến những điểm du lịch để tận hưởng một ngày nghỉ thêm ý nghĩa.

Ông Lương Yên (71 tuổi, trú ở bản Đình, xã Chi Khê, huyện Con Cuông) cho biết: Mỗi khi mùa thu về, mọi người mong nhất là Tết Độc lập. Nó vừa là dịp vui, vừa để nhớ về truyền thống cách mạng. Chúng tôi từ khi còn đánh Mỹ đã có Tết Độc lập rồi và coi nó là phong tục.

Bà con dân bản tổ chức hội rượu cần vui Tết Độc lập.

Tết Độc lập đã trở thành tập tục của nhiều vùng người đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An. Với người Thái vùng Mường Quàng (xã Quang Phong, Cắm Muộn của huyện Quế Phong), ngày Tết Độc lập được tổ chức khá rầm rộ. Trong bản, nhà nào cũng trang hoàng cờ tổ quốc, ngõ xóm sạch sẽ, tinh tươm.

Người Thái ở vùng Con Cuông chỉ mổ gà làm bữa cơm chung nhưng với người Thái ở Mường Quàng thì Tết Độc lập mới thực sự là ngày hội lớn.

Ngày Tết Độc lập, mỗi nhà trong bản ít nhất phải mổ một con gà cúng tổ tiên. Có bản người ta còn mổ trâu ăn mừng, khi cả bản cùng góp nhau mỗi nhà một ít tiền để mua trâu mở hội.

Và lễ dĩ nhiên, trong những cuộc vui này không thể thiếu những màn mùa hát, đánh cồng chiêng. Chính vì thế mà không khí lễ hội thực sự ngập tràn cả cộng đồng.

Đối với người Thái ở huyện Quỳ Hợp, ngoài cúng tổ tiên, bà con còn cúng Bác Hồ. Người ta tin rằng để có được nền độc lập này là nhờ Bác Hồ. Bà con mổ gà mời tổ tiên và Bác Hồ về ăn tết để cảm tạ người đã mang lại nền độc lập cho nhân dân.

Và cùng nhau nhảy sạp, múa lăm vông trong ngày hội lớn.

Sau ngày giành chính quyền không bao lâu thì tục ăn Tết Độc lập bắt đầu xuất hiện ở người Mông. Nhiều người trong cộng đồng không biết đó là ngày Quốc khánh của nước nhà và họ chỉ biết rằng đó là một ngày vui đã có từ lâu.

Cũng như những ngày hội hay lễ, tết khác, hễ đến Tết Độc lập, bà con Mông ở xã Nậm Cắn, Na Ngoi…(huyện Kỳ Sơn) lại mở hội chọi bò. Làng bản cũng treo cờ đỏ sao vàng như những cộng đồng khác. Ngày nay, vào ngày mùng 2/9 hàng năm, con trai Mông ở Nghệ An đã biết tìm đến vui hội Tết độc lập.

Còn đối với cộng đồng người Khơ Mú (huyện Kỳ Sơn) lại có cách mừng ngày Tết Độc lập theo cách riêng của mình. Nhiều bản làng chưa có điều kiện vui nhưng ở bản nào có ngày này thì bà con dân bản tổ chức hội rượu cần theo từng nhóm hộ hoặc cả bản. Và rượu cần luôn là thứ không thể thiếu trong bất kỳ ngày hội nào của người Khơ mú.

Ông Sầm Văn Bình – Một nhà nghiên cứu văn hóa ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) chia sẻ: “Tết Độc lập là dịp để mọi người nhớ đến mùa thu Cách mạng (năm 1945). Hiện nay, người dân bắt đầu quan tâm hơn khi xem nó là ngày hội lớn”.

Tác giả: Việt Hòa

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP