Xã hội

Cửu vạn vùng biên sau vụ chết 9 người trên sông Hồng

Sau cái đêm kinh hoàng khiến 9 người làm nghề bốc vác tử nạn, vùng biên xã Bản Vược (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) nhanh chóng trở lại guồng quay kiếm sống khắc nghiệt. Hàng trăm con người vẫn phải tặc lưỡi mà rằng: “Phải bán sức mà ăn dần vì không làm cũng chết...”.

Cảnh bốc hàng tấp nập lúc chiều tối tại bến của công ty Bắc Sông Hồng khu vực biên giới Bản Vược. Ảnh: Cao Tuân

“Bán sức ăn dần”

Từ lâu, Cửa khẩu phụ Bản Vược đã được biết đến là nơi thông quan cho những chuyến hàng tạm nhập tái xuất. Chẳng nói đâu xa, chỉ vài tháng trước, mỗi ngày, cả trăm container hàng đông lạnh ùn ùn tái xuất sang bên kia biên giới Trung Quốc. Bãi sông trải dài chưa đẩy 1km có thời điểm lên tới cả nghìn cửu vạn làm việc ở đây.

Sau hơn 1 giờ bốc vác những bao lớn thịt bò đông lạnh trên chiếc container xuống xà lan để chủ hàng giao cho đối tác Trung Quốc, anh Vàng A Quảng (quê ở Bắc Hà, Lào Cai) được chia 76.000 đồng tiền công. Sau khi mua một chiếc bánh dày với giá 5.000 đồng ăn lót dạ, anh Quảng cẩn thận cất số tiền còn lại vào túi của chiếc áo vải kaki màu xám đang mặc trên mình.

“Phải mặc áo này người ta mới cho vào làm việc. Mỗi công ty quản lý một khu vực bến, nếu muốn sang làm ở bến khác thì chúng tôi mượn hoặc đổi áo cho nhau”, anh Quảng vừa nói vừa quay lưng cho chúng tôi nhìn thấy logo và tên của Công ty Bắc Sông Hồng trên áo.

Theo lời thanh niên 26 tuổi này, để có việc làm tại đây thì anh cùng nhóm cửu vạn của phải cạnh tranh rất nhiều, thậm chí phải giành suất với chính những người trong nhóm của mình. Sau khi được công ty thu nhận, họ chịu quản lý bởi một người cầm đầu gọi là “đầu cánh”. Các “đầu cánh” sống bằng tiền chênh lệnh giữa việc thỏa thuận với chủ hàng giá từng chuyến tàu, từng chiếc container. Thông thường, mỗi chuyến hàng giá bốc vác vận chuyển dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Trong đó, “đầu cánh” hưởng khoảng 30%, còn lại số cửu vạn tham gia bốc vác chia nhau.

So với các bến của doanh nghiệp khác tại Bản Vược, bến của công ty Bắc Sông Hồng khá nhộn nhịp, được ngăn cách bởi gianh giới là những tảng đá và có lối riêng cho xe lên xuống. Tại thời điểm phóng viên có mặt, bến của công ty này đang có 2 xe container hàng đông lạnh thịt bò và chân giò lợn đang chuẩn bị chuyển xuống xà lan nhỏ để đưa sang Trung Quốc. Qua quan sát, ngoài lực lượng cửu vạn đông đảo, trên bến còn có 2-3 người mặc sắc phục BĐBP đang theo dõi, ghi chép. Trước câu hỏi của phóng viên về tính hợp pháp của những lô hàng - đặc biệt là những xuồng hàng đầy ắp nguyên liệu thuốc lá đang nhập về Việt Nam, những người này từ chối trả lời.

Sau những tiếng hô hào tập hợp, “đầu cánh” phân công người dỡ hàng, người bốc vác. Mỗi bao hàng nặng trung bình 20 - 40kg cứ thế chất lên những đôi vai cửu vạn có thân hình gầy gò, trong số đó hơn nửa là phụ nữ. Vừa xua “cửu” nhanh chân, “đầu cánh” vừa phát cho họ những thẻ que hệt như chiếc đũa ăn cơm sau đó thu quay vòng. Đó là sự xác nhận khối lượng chuyến hàng để căn cứ thanh toán tiền công cho cửu vạn.

Dáng người mảnh khảnh, làn da đen sạm vì nắng gió, bàn tay, đôi vai chai sần vì khuân vác hàng hoá, chị Lý Thị Hiệp (39 tuổi), người dân tộc Dao ở xã Bản Vược tâm sự: Hơn 1 năm nay do mùa màng đói kém nên chị tìm ra khu vực biên giới xin làm nghề cửu vạn. Thời điểm trước Tết, bên Trung Quốc nhận hàng nhiều nên mỗi ngày chị có thể bốc được 3-4 chuyến hàng và mang về vài trăm nghìn đồng. Thấy thu nhập cao, anh Đặng Xuân Trường (40 tuổi), chồng chị cũng ra đây mua lại một chiếc áo đồng phục rồi hành nghề cửu vạn.

Kiếm được đồng tiền đã khổ, nhưng những cửu vạn ở đây còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật. Vợ chồng chị Hiệp vẫn luôn đùa nhau rằng mỗi ngày không “ăn” đủ một kg bụi thì ngày đó ăn cơm không ngon. Dù biết thế, nhưng không ai dám đeo khẩu trang, hoặc có đeo thì chỉ chừng phút là đành tháo ra vì họ cần... thở, thở mạnh.

Vất vả, đau ốm, bệnh tật... là những thứ hiển hiện nhưng với những người phu bốc vác nơi cửa khẩu phụ Bản Vược chỉ dằn lòng mà nhủ một câu cay chát: “Người ta bán cái này cái kia, chúng tôi thì bán sức mà ăn dần thôi”. Cũng nhờ công việc khó nhọc này mà vợ chồng anh Trường – chị Hiệp cũng như nhiều gia đình đồng bào thiểu số ở quanh vùng đã có tiền cho các con ăn học.

Nguy hiểm rình rập

“Đầu cánh” chia tiền công cho nhóm người bốc vác sau khi vận chuyển hàng đông lạnh từ chiếc xe container sang Trung Quốc.

22h đêm, chúng tôi vẫn chứng kiến nhiều nhóm lao động bốc dỡ hàng hóa. Do những chuyến hàng cần vận chuyển nhanh nên buổi đêm “đầu cánh” huy động đến vài chục người. Trong số đó có rất nhiều người đến từ các tỉnh lân cận, làm thuê 24/24 giờ bất kể khi nào có hàng. Nơi họ ngủ là những túp lều tạm được dựng lên ngay cạnh vùng biên. Thường thì mỗi tháng 1 lần họ đem tiền về nhà cho bố mẹ, các con chi tiêu hàng ngày, ăn vội bữa cơm lại quay lại vùng biên tiếp tục công việc của một cửu vạn.

“Nếu chăm chỉ, từ chập tối đến nửa đêm, mỗi lao động tại đây có thể kiếm được từ 200.000 – 300.000 đồng. Nếu muốn nhiều hơn, còn 1 lựa chọn nữa, là theo thuyền sang tận bờ bên kia sông để bốc hàng như 9 người vừa mất mạng hôm trước”, anh Lò Văn Toàn (35 tuổi đến xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) tâm sự.


Anh Toàn cho biết, anh ở gần nhà anh Lò Văn Nan (29 tuổi, nạn nhân thứ 9 mới tìm thấy thi thể trong vụ chìm thuyền trên sông Hồng lúc rạng sáng 11/3). Người đàn ông bỗng nghẹn giọng khi kể, anh Nan cùng một số người trong làng sang Lào Cai làm cửu vạn chưa đầy một tuần thì gặp nạn.

Hôm ấy nhóm người của anh Nan làm cho công ty Bắc Sông Hồng theo thuyền đưa hàng xuất phát từ cửa khẩu Bản Vược đi dọc sông Hồng đến khu vực mốc 93 +3500m để giao cho phía đối tác Trung Quốc. Đến khi bàn giao xong hàng hóa và trên đường quay về thì thuyền của anh Nan bị chết máy, các cửu vạn rủ nhau nhảy xuống sông bơi vào bờ... Lực lượng chức năng xác định, do không có kinh nghiệm sông nước nên tất cả bị đuối nước và tử vong. Được biết, tất cả nạn nhân đều là người dân tộc thiểu số ở những vùng quê nghèo. Trong số đó, em Thào A Giàng ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu vong mạng khi mới 16 tuổi.

Theo chia sẻ của một “đầu cánh”, từ ngày xảy ra sự cố, việc vận chuyển hàng hóa “tạm nhập tái xuất” sang bên Trung Quốc chậm hẳn lại. Nếu như trước đây có ngày cả trăm chuyến hàng qua lại thì giờ chỉ chục xe. Những điều luật bất thành văn ở khu vực bốc vác hàng lậu khá nghiêm ngặt. Theo tiết lộ của một cửu vạn lâu năm, không ít người được phân công sang khu vực biên giới bốc dỡ hàng đã bị đánh đập rất tàn nhẫn. Lý do bị đánh thì nhiều, nhưng chủ yếu là do để rơi rớt hàng hoặc chậm chạp trong khi vận chuyển. Tuy nhiên, hầu hết những người đã bước chân vào nghề cửu vạn này dù có bị vắt kiệt sức lao động thì họ vẫn “tặc lưỡi” và rằng: “Vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo, bởi không làm thì cũng chết đói”.

Cánh cửu vạn cũng tâm sự, sau sự cố chết 9 mạng người, chính quyền có hỗ trợ ban đầu mỗi trường hợp từ 2-5 triệu đồng. Đau đớn là vậy, nhưng tại buổi họp báo diễn ra sau đó, trước câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị liên quan, giới chức trách Lào Cai chỉ đưa ra câu trả lời khá chung chung là sẽ tiếp tục điều tra.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, lãnh đạo Đồn Biên phòng Bản Vược (Bát Xát – Lào Cai) cho biết: “Theo hành chính, từ 7h đến 17h hàng ngày chúng tôi làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên do đối tác Trung Quốc thường nhận hàng muộn nên chúng tôi vẫn phải giám sát đến 23h. Lao động ở đây đa phần là người địa phương, được Bộ đội biên phòng cấp thẻ ra vào. Có thời điểm hàng hóa nơi đây nhộn nhịp, số lao động lên tới cả nghìn người”.

Khi hỏi về việc nhập khẩu thuốc lá từ Trung Quốc về Việt Nam, vị đại diện trả lời ngắn gọn: “Đã có giấy phép của Bộ Công thương và Công văn chấp thuận của UBND tỉnh Lào Cai”.

Tác giả: Cao Tuân

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP