Pháp luật

Cựu Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hòa khai bị ép ký trình biến đất rừng thành đất ở

Trong lời khai công bố tại toà, ông Võ Tấn Thái (cựu Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hoà) cho biết, việc ký tờ trình đề nghị chuyển đổi 7,5 ha đất rừng sản xuất sang đất ở, dịch vụ thương mại tại dự án Cửu Long Sơn Tự là sai quy định pháp luật nhưng vẫn ký vì bị cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà ép ký.

Bị ép ký sai quy định?

Sáng 5/4, TAND tỉnh Khánh Hoà tiếp tục phiên xét hỏi các bị cáo trong vụ án sai phạm đất đai tại hai dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín Khúc, tỉnh Khánh Hoà.

Sau phần xét hỏi các bị cáo Lê Mộng Điệp (cựu Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hoà) và Trần Văn Hùng (cựu Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai, thuộc Sở TN&MT Khánh Hoà), HĐXX đã công bố lời khai với cơ quan điều tra của bị cáo Võ Tấn Thái (cựu Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hoà, có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang bị bệnh) liên quan đến việc ký tờ trình đề nghị chuyển đổi 7,5 ha đất rừng sản xuất sang đất ở, dịch vụ thương mại tại dự án Cửu Long Sơn Tự cho Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Khánh Hoà).

Bị cáo Võ Tấn Thái (giữa) lúc bị bắt tại nhà riêng. Ảnh CÔNG HOAN.

Theo đó, lời khai của bị cáo Võ Tấn Thái với cơ quan điều tra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà vào ngày 1/10/2021 (bị cáo hiện đang bị bệnh phổi, suy tim và tiểu đường) thể hiện, do áp lực chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Nguyễn Chiến Thắng, vào tháng 10/2015, Thái đã chỉ đạo bà Phạm Thị Thanh Hương (lúc đó làm Chi cục phó Chi cục quản lý đất đai) làm tờ trình cho Công ty Khánh Hoà chuyển đổi 7,5 ha đất rừng sản xuất và miễn tiền thuê đất cho diện tích hơn 513 ha trên núi Chín Khúc trái quy định.

Sau khi có bút phê chỉ đạo của ông Thái, bà Hương đã rà soát và báo cáo ông Thái việc chuyển đổi này sai vì diện tích này chưa nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở hàng năm của tỉnh. Tuy nhiên, ông Thái vẫn bảo bà Hương soạn tờ trình để ông này ký trình lãnh đạo UBND tỉnh cho chuyển đổi vì Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải làm thế.

Bà Phạm Thị Thanh Hương trả lời HĐXX với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ảnh CÔNG HOAN.

Trả lời HĐXX, bà Phạm Thị Thanh Hương xác nhận lời khai của ông Võ Tấn Thái là đúng sự thật. Khi HĐXX hỏi vì sao biết sai mà soạn và ký nháy vào tờ trình cho ông Võ Tấn Thái ký trình UBND tỉnh, bà Hương cho biết đã có báo cáo cho ông Thái việc làm này là trái quy định nhưng ông Thái nói rằng “cứ làm đi vì Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo rồi”. Vì thế, bà Hương vẫn phải làm theo chỉ đạo của ông Thái.

Tuy nhiên, trong lời khai với cơ quan điều tra ngày 30/7/2021, bị cáo Võ Tấn Thái lại khai rằng do tin tưởng cấp dưới nên ông này không kiểm tra lại việc ký tờ trình có đúng quy định pháp luật hay không? Theo đề nghị của luật sư, HĐXX đã yêu cầu bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) đối chất để làm rõ lời khai của ông Thái cho rằng tham mưu sai do áp lực chỉ đạo của cấp trên.

Ông Thắng nói chủ tịch UBND tỉnh làm việc theo chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo bằng công văn, không chỉ đạo miệng hay gây áp lực gì cho ông Thái. “UBND tỉnh chỉ biết việc chung, còn cụ thể như thế nào thì Sở TN&MT tỉnh phải nắm rõ. Nếu không có tờ trình và sự đồng ý của Sở TN&MT tỉnh thì tôi sẽ không ký. Còn nếu Sở TN&MT tỉnh phát hiện việc này sai thì phải báo cáo lại UBND tỉnh theo quy định”, bị cáo Thắng phản bác lời khai của cấp dưới.

Tỉnh Khánh Hoà cho chuyển đổi đất rừng trên núi Chín Khúc trái quy định. Ảnh C.HOAN.

Làm theo chỉ đạo của tỉnh?

Trong phần xét hỏi, bị cáo Lê Mộng Điệp (cựu Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hoà) cho biết đã tham mưu UBND tỉnh giao đất cho doanh nghiệp vì nghĩ rằng việc này nhằm bảo vệ rừng, không phải để kinh doanh.

Tuy nhiên, HĐXX chỉ ra rằng trong văn bản tham mưu và quyết định giao đất, ngoài đất trồng rừng còn có nhiều loại đất khác. Lúc này, ông Điệp thừa nhận, biết việc này và phân bua 'bị cáo ký tờ trình vì nghĩ đã có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh'.

Về tính pháp lý của các tờ trình đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất, HĐXX cho rằng Nghị định 46 của Chính phủ có hiệu lực áp dụng đến 2010, trong khi dự án Cửu Long Sơn Tự được làm thủ tục, giao đất, dự án trong giai đoạn 2012-2015. “Đến tháng 4/2013, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 52, vậy bị cáo ký các tờ trình đề nghị giao đất căn cứ vào tính pháp lý nào?”, HĐXX truy vấn.

Bị cáo Điệp nói, lúc đó chỉ căn cứ vào quy hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. “Trong tờ trình của Chi cục Quản lý đất đai có nhiều nội dung nên bị cáo không đọc hết. Bị cáo bám vào công văn của tỉnh, tờ trình của Chi Cục quản lý đất đai để ký tờ trình cho mở rộng diện tích ở dự án Cửu Long Sơn Tự”, vị cựu Giám đốc Sở TN&MT khai.

Bị cáo Lê Mộng Điệp cũng khai làm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hoà. Ảnh C.HOAN.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Mộng Điệp nhiều lần nhắc lại việc ký 3 tờ trình liên quan dự án Cửu Long Sơn Tự là làm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài ra, Sở TN&MT cũng căn cứ vào văn bản của Sở NN&PTNT về thẩm định thiết kế cơ sở về trồng rừng và bảo vệ rừng trên núi Chín Khúc. Bị cáo Điệp nói rằng Sở TN&MT không tham gia quá trình triển khai dự án. “Một số tờ trình do bị cáo ký, do nhận thức tại thời điểm đó đúng, tuy nhiên theo quy định pháp luật là chưa đúng...”, bị cáo Điệp nói.

Chiều 5/4, phiên toà tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo trong vụ án.

Tác giả: Công Hoan

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP