Xã hội

Cựu chiến binh hơn 20 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ

Hơn 2 thập kỷ qua, ông Tạ Quang Lộc (76 tuổi, ngụ tại phường Hưng Dũng, TP.Vinh, Nghệ An) miệt mài sưu tầm ảnh Bác Hồ và sách để lập thư viện ảnh Bác Hồ và sách tư liệu.

Ông Tạ Quang Lộc bên bộ sưu tầm ảnh Bác Hồ

Khi chúng tôi đến thăm, ông Lộc đang cẩn thận dán lại những bức ảnh trên tấm pa nô lớn để chuẩn bị cho ngày ra mắt thư viện Ảnh Bác Hồ và sách tư liệu tại khối Tân Lập (phường Hưng Dũng, TP.Vinh) sau hàng chục năm mong chờ. Ông Lộc cho biết, ông đã bày tỏ lòng kính yêu vị lãnh tụ của dân tộc trong hàng trăm bài thơ ông viết về Bác Hồ từ năm lên 14 tuổi. Hơn 5 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, người chiến sĩ Tạ Quang Lộc cũng luôn ghi chép cẩn thận những lời căn dặn của Bác Hồ để học tập, làm theo và truyền đạt cho đồng đội.

Rời quân ngũ với đồng lương eo hẹp, lại mang thương tật trên 81%, bao vất vả đè nặng lên cuộc sống của đôi vợ chồng người lính, nhưng ông Lộc vẫn luôn cố gắng hết mình với tinh thần lạc quan vì luôn nhớ lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Lộc phải lam lũ đủ nghề để nuôi vợ con nhưng vẫn luôn đau đáu về việc giới thiệu với con cháu, những người xung quanh về những đóng góp to lớn của Bác cho đất nước, về tấm gương sáng của Người, từ đó khích lệ mọi người sống, học tập và rèn luyện theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Ngày được đồng đội tặng 2 tấm ảnh Người thăm hỏi và trò chuyện với các em thiếu nhi, tôi nghĩ ngay tới việc đi sưu tầm thật nhiều tấm ảnh về Bác Hồ để mở một phòng triển lãm ảnh về Bác”, ông Lộc nói.

Những mảnh đạn trong đầu thỉnh thoảng lại hành hạ, mỗi năm nhập viện không dưới chục lần, khoản tiền phụ cấp ít ỏi không đủ trang trải cho cuộc sống, nhưng nghe tin ở đâu có bức ảnh quý, ông lại lên đường. “Xa quá tôi mới bắt xe ô tô đi, còn không thì đạp chiếc xe cà tàng tới”, ông Lộc nói và cho biết những chuyến xe vào Nam, ra Bắc cứ thế mỗi ngày một nhiều. Đến nay, sau hơn 20 năm lặn lội khắp mọi vùng miền của Tổ quốc, ông đã sưu tầm được gần 800 bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hơn 800 cuốn sách.

Thư viện Ảnh Bác Hồ

Cầm tấm hình Chủ tịch Hồ Chí Minh kéo lưới cùng ngư dân trên bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), ông Lộc xúc động kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm không bao giờ quên trên hành trình sưu tầm tấm hình này. Theo ông Lộc, giữa năm 1995, nghe tin một người ở TP.HCM có tấm ảnh quý về Bác Hồ, ông đón xe khách vượt trên 1.000 cây số tìm tới để xin lại.

Ông đã ngã bệnh rồi ngất xỉu ngay trên xe khách, may mắn được người dân giúp đỡ thuốc thang. Nhiều người khuyên nên trở về nhà để đảm bảo sức khỏe nhưng ông Lộc vẫn một mực tiếp tục hành trình của mình. “Có được tấm ảnh, tôi mừng lắm. Đúng là không kiên trì, cố gắng thì làm sao có thể hoàn thành tâm nguyện. Nhiều bức ảnh quý giá lắm, tôi phải cất công tìm kiếm mới có được”, ông Lộc nói.

Ông Lộc vui mừng cho biết, sau nhiều năm mong mỏi, tâm nguyện cuối đời của ông cũng sắp trở thành hiện thực khi chính quyền địa phương vừa đồng ý cho mượn một căn phòng để thành lập thư viện và trưng bày ảnh Bác Hồ. Để người dân dễ theo dõi, ông phân chia kho ảnh của mình thành các chủ đề: Bác Hồ với quê hương, Bác Hồ với quốc tế, Bác Hồ với thiếu nhi… rồi dán lên các tấm pa nô. Ngoài ra, ông còn đóng thêm các kệ sách để xếp hơn 800 cuốn sách các loại mà ông đã xin, sưu tầm được trong suốt những năm qua, giúp người dân trong vùng có điều kiện đọc, nghiên cứu, tự trang bị thêm những kiến thức phong phú về cuộc sống.

Tác giả bài viết: Phan Ngọc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP