Số hóa

Cúng ông Táo thời smartphone

Nhiều gia đình trẻ tải các bài văn khấn có sẵn trên mạng vào di động và cầm smartphone để đọc khi thắp hương cúng ông Táo cuối năm.

Theo truyền thống, khoảng thời gian từ 21 đến 23 tháng Chạp (âm lịch), các gia đình Việt sẽ làm mâm cỗ để tiễn ông Táo lên chầu trời, với quan niệm "báo cáo" với Ngọc Hoàng những điều làm được và chưa được trong vòng một năm. Trước đây, việc thờ cúng thường do những người có tuổi và có kinh nghiệm đảm nhận, nhưng với gia đình trẻ việc này không dễ dàng. "Nhà mình vừa ở riêng nên năm nay mình phải cúng ông Táo. Nói suông có gì sai lại sợ vì đây là vấn đề tâm linh, mình cũng khá lo", chị Lệ Chi (quận Bình Thạnh, TP HCM) chia sẻ.

Nhiều người "nhờ cậy" vào các bài cúng mẫu trên Internet.

Với sự phát triển của công nghệ, nhiều người đã nghĩ ra cách tham khảo các bài cúng "mẫu" trên mạng và áp dụng cho gia đình. Chị Hoài Thanh (Hà Nội), cho biết, việc khấn lễ chị không biết nhờ ai nên chọn cách tham khảo trên mạng. "Trước đây, tôi có in tờ giấy có nội dung bài cúng. Nhưng giờ chỉ cần lên mạng tìm văn cúng ông Công ông Táo là đầy đủ kết quả", chị Thanh chia sẻ.

Cũng giống như chị Thanh, anh Thế Duy (TP HCM) chọn cách tham khảo văn khấn trên mạng. "Mọi năm, sau khi chọn một bài được nhiều người chia sẻ, tôi đặt smartphone trước bàn cúng, nhìn theo và đọc, thay tên các thành viên trong gia đình theo đúng thứ tự. Kể cả cúng đón ông bà, tổ tiên về ăn Tết tôi cũng làm điều này. Năm nay tất nhiên cũng không ngoại lệ", anh Duy cho biết.

Những ngày gần đây, xu hướng tìm kiếm các bài cúng ông Táo tăng mạnh tại Việt Nam. Chỉ cần "Google" từ khóa là ra hơn một triệu kết quả trong chưa tới 0,4 giây. Trên trang Xu hướng (Google Trends), các từ khóa liên quan đến "ông Táo" hoặc "cúng ông Táo" luôn nằm trong top đầu, tăng mạnh từ khoảng ngày 3/2 đến nay.

Từ khóa "bài cúng ông Táo" và "cúng ông Táo" được sử dụng nhiều những ngày gần đây.

Trên Facebook, không ít người đã đăng tải, chia sẻ, gửi tin nhắn cho bạn bè về các nội dung bài cúng ông Công ông Táo sưu tầm trên mạng, cũng như những thứ cần có trên mâm cỗ và một số lưu ý khi cúng. Một số người cũng "cầu cứu" bạn bè cách làm sao để cúng ông Táo cho đúng. Nhiều website đã dẫn lại các bài cúng có từ thời xưa để mọi người cùng tham khảo.

Một bài cúng được chia sẻ trên Facebook.

Theo anh Lê Minh Sơn, một chuyên gia nghiên cứu về các công cụ tìm kiếm (SEO) trên Internet, điều này không quá khó hiểu. "Xã hội hiện nay đa phần là gia đình trẻ và không nhiều người nhớ bài cúng ông Táo, trừ khi được người lớn hơn chỉ dạy. Thực tế, việc 'nhờ vả' các 'thầy cúng online' không phải bây giờ mới có, mà đã hình thành từ khi Internet phát triển cách đây cả chục năm. Như các bài văn cúng đón ông bà tổ tiên ăn Tết được tìm kiếm nhiều vào 29 hoặc 30 Tết, hay cúng bài cúng Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) được tìm kiếm nhiều trước đó vài ngày", anh Sơn chia sẻ.

Ông Trần Bền (65 tuổi, quận Bình Thạnh), một người am hiểu về cúng bái, cho rằng, việc cúng ông Công ông Táo bằng cách đọc theo nội dung bài cúng hiển thị trên điện thoại cũng không có gì phiền phức. "Tôi vẫn khuyến khích người trẻ cúng tổ tiên, tiễn ông Táo... bằng những gì họ học được từ người lớn tuổi, người đi trước. Ngày xưa, tôi cũng viết ra giấy và đọc cho đỡ quên, sau nhiều lần mới nhớ. Khi xã hội hiện đại hơn, con người hiện đại hơn thì có thể tận dụng những thứ mình có, miễn mình thành tâm là được", ông Bền nói.

Tác giả: Bảo Lâm

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: smartphone ,ông táo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP