Trong tỉnh

Cử tri Nghệ An kiến nghị cần thực hiện tốt chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV dành cả ngày 31/10 để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Theo dõi phiên thảo luận, cử tri Nghệ An có nhiều ý kiến về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp, sáng 31/10. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cần tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong gia đình

Ông Nguyễn Long (phường Hưng Bình, thành phố Vinh) cho rằng, năm 2022, mặc dù chịu tác động bởi nhiều khó khăn của thế giới và trong nước nhưng kinh tế - xã hội của Việt Nam đạt được kết quả khả quan, đang phục hồi tích cực. Công tác an sinh - xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả. Nhiều lĩnh vực thấy rõ sự khởi sắc. Điều đó cho thấy, đường lối lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, phù hợp.

Liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cử tri Nguyễn Long nêu rõ, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến các địa phương, ngành. Thậm chí, khi nói đến tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ có liên quan đến cơ quan Nhà nước, các địa phương mà ngay trong từng gia đình cần phải tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực tế, đất nước đang gặp khó khăn, đối mặt với nhiều vấn đề. Vì thế, tiết kiệm, chống lãng phí cần được thực hiện triệt để, hiệu quả hơn. Thời gian qua, tại một số địa phương đã có những công trình với vốn đầu tư nhiều tỷ đồng không phát huy hiệu quả. Điều này cho thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến tiết kiệm, chống lãng phí có thời điểm và có địa phương triển khai chưa nghiêm túc, chưa hiệu quả. Tại Nghệ An cũng đã xảy ra tình trạng này. Cụ thể, một số dự án liên quan đến chợ nông thôn ở miền núi, công trình nước sạch nông thôn, thủy lợi, khu tái định cư… đầu tư không phát huy hiệu quả, lãng phí vốn đầu tư.

Theo ông Nguyễn Long, mặc dù Nhà nước đã có nhiều quy định về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí nhưng nếu thẳng thắn và nghiêm túc nhìn nhận, thực tế cho thấy có những ngành, lĩnh vực hoặc địa phương, hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chế tài để quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra lãng phí chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, dẫn đến việc khó quy được trách nhiệm. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm; chưa phát huy hết vai trò giám sát của báo chí và của cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ông Nguyễn Long tin tưởng Đảng, Nhà nước đang và sẽ đưa ra giải pháp sát, đúng, phù hợp hơn để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian tới.

Tiết kiệm, chống lãng phí gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Ông Hoàng Hà (cán bộ hưu trí tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc) cho rằng Đảng, Nhà nước rất coi trọng vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết chuyên đề giám sát này nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Thực tế cho thấy, việc tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa, tác động quan trọng đến sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước. Vì vậy, cần sự vào cuộc với quyết tâm cao không chỉ của cả hệ thống chính trị mà còn của mỗi người dân.

Ông Hoàng Hà tin tưởng và phấn khởi khi trong Kỳ họp Quốc hội lần này, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ lĩnh vực, địa bàn, địa chỉ để xảy ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng; làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chỉ ra nguyên nhân. Cùng với đó là xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng thời, ông Hoàng Hà kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan...

Theo ông Hoàng Hà, để thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm, chống lãng phí, một trong những giải pháp đó là triển khai hiệu quả, nghiêm túc trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là ở lĩnh vực tài chính, ngân sách, mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quy hoạch, sử dụng đất đai… Đồng thời tập trung xử lý tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý thực hiện cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước tại địa phương...

Tác giả: Nguyễn Văn Nhật

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP