Xã Phước Khánh, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, nơi có những cung đường núi được nhiều người mệnh danh là “Tây Bắc của Ninh Thuận”. Nơi đây, chủ yếu là người dân tộc Chăm và Ra Glai sinh sống.
Vượt khoảng hơn 2 tiếng leo núi, trên các đỉnh núi cao có một số hộ gia đình sinh sống. Trong đó có gia đình bà Mai Thị Rế, sinh năm 1958. Bà Rế hiện đang sống cùng chồng và chị gái. Chị gái của bà Rế cũng là người vợ thứ 2 của chồng bà.
Bà Rế (ngoài cùng bên phải) cùng chồng và chị gái của mình. |
Ông cưới bà Rế khoảng hơn 20 năm nhưng không có con nên lấy tiếp chị gái của bà. |
Chồng của bà Rế năm nay gần 70 tuổi. Hơn 40 năm về trước, ông và bà Rế kết hôn. Hai vợ chồng chung sống hơn 20 năm nhưng không có mụn con nào, vì vậy, năm 45 tuổi, ông lấy thêm người vợ thứ 2, chính là chị gái của bà Rế.
Chị gái của bà Rế trước đây từng kết hôn và có một người con trai. Nhưng số phận kém may mắn, chồng bà qua đời, sau đó con trai cũng qua đời vì bị sốt xuất huyết.
Hơn 20 năm qua, chị em bà Rế cùng chồng sống hòa thuận trên núi cao, thỉnh thoảng họ mới về làng. Hàng ngày, 3 người cùng làm đi làm nương, chăn nuôi lợn, trâu, bò, gà, vịt,... Chị gái của bà Rế có ruộng riêng, mỗi ngày bà đi tỉa bắp về cho cả nhà cùng ăn.
Căn nhà gỗ nơi 3 ông bà nghỉ ngơi mỗi ngày. |
Bà Rế đang luộc lá đu đủ, chuẩn bị cho bữa cơm trưa. |
Đến bữa, bà Rế dọn cơm gồm một nồi cơm trắng, một bát lá đu đủ luộc, vài quả chuối, 3 người ăn rất ngon lành. Lá đu đủ luộc là một món ăn gần như bữa cơm nào cũng có của người dân ở đây. Mỗi khi có khách, ông bà không ngại thịt một con gà để thết đãi. Mặc dù ăn uống đơn giản nhưng cả 3 ông bà đều rất khỏe mạnh. Họ vui vẻ khi mọi người hỏi thăm về câu chuyện của mình.
Ở trên núi nhưng chồng của bà Rế cẩn thận làm hệ thống dẫn nước sạch, điện mặt trời nên cuộc sống sinh hoạt của 3 ông bà khá thuận lợi.
Ban ngày, bà Rế và chị gái mỗi người ở một nhà, đến ban đêm thì họ cùng về căn nhà gỗ chung của 3 người để nghỉ ngơi. Cuộc sống cứ trôi qua bình yên và nhẹ nhàng.
|
Bữa cơm rất giản dị nhưng ông bà ăn vô cùng ngon miệng. |
Suốt bao nhiêu năm qua, cuộc sống của 3 người trôi qua rất yên bình, nhẹ nhàng. |
Sở dĩ, chồng của bà Rế lấy thêm người vợ thứ 2 là bởi ông mong sẽ có con. Tuy nhiên cho đến hiện tại, mong ước của ông vẫn chưa thành hiện thực. Người đàn ông gần 70 tuổi mong muốn nếu có duyên có thể nhận một bé gái về nuôi.
Nguồn: Cú Đấm Thép TV
Điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình nêu những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình như sau: 1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. 2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. 3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con. 4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình. 5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình. |
Tác giả: Lam Giang
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn