Trong tỉnh

Công ty xuất khẩu lao động ở Nghệ An bị tố chiếm tiền cọc của khách hàng

Công ty TNHH Đầu tư & Hợp tác Quốc tế Bình Minh bị tố không thực hiện đúng cam kết và chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng đi nước ngoài.

Trụ sở Công ty TNHH Đầu tư & Hợp tác Quốc tế Bình Minh.

"Tiền thầy bỏ túi"

Báo GD&TĐ vừa nhận được đơn phản ánh của chị Lê Thị Diệu Phượng (trú phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) về việc Công ty TNHH Đầu tư & Hợp tác Quốc tế Bình Minh (Công ty Bình Minh; có trụ sở tại Quốc lộ 534, xóm 6, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vi phạm hợp đồng và chiếm đoạt tiền cọc của nhiều khách hàng mà chị đại diện.

Chị Phượng cho biết, tháng 2/2022, chị được Công ty Bình Minh bổ nhiệm làm Chuyên viên Marketing, trong khoảng thời gian đó, chị có làm hồ sơ cho 7 khách hàng ở Hà Tĩnh hợp đồng với công ty này để đi xuất khẩu lao động và Visa du lịch ở các nước Úc, Mỹ, Canada…

Cụ thể theo các hợp đồng mà chị Phượng cung cấp, có 7 khách hàng gồm: 3 người làm Visa đi du lịch Úc, 3 người đi xuất khẩu lao động ở Mỹ và một người đi Canada.

Bản cam kết do chị Phượng đại diện các khách hàng du lịch thương mại Úc ký với Công ty Bình Minh.

Trong các hợp đồng được chị Phượng đại diện cho khách hàng ký với Công ty Bình Minh có những cam kết về phía khách hàng, lúc có “lịch lăn tay” tại Đại sứ quán (cấp liên quan) thì khách hàng phải nộp trước số tiền 2.000USD (hai ngàn đô la Mỹ), nếu trong quá trình làm hồ sơ khách hàng bỏ ngang thì sẽ mất số tiền trên. Còn về phía công ty, trong thời gian cam kết nếu công ty không làm cho khách hàng đi được thì phải có trách nhiệm hoàn lại đủ số tiền trên cho khách hàng.

Đối với 3 người làm Visa đi du lịch Úc chị Phượng đã thay mặt họ nộp tiền cọc lăn tay 2.000USD/người vào ngày 27/2/2022 và phía công ty cam kết sau 60 ngày sau (ngày 27/4/2022) nếu không ra được Visa sẽ hoàn trả lại tiền cọc cho cho chị Phượng để chị trả lại khách hàng. 3 khách hàng đi Mỹ đã nộp cọc 1.000USD/người vào ngày 8/3/2022 và phía Công ty Bình Minh cam kết không ra được Visa sẽ trả tiền cọc sau ngày 15/7/2022. 1 khách hàng đi Canada nộp cọc 2.000USD và có những cam kết tương tự.

Bản cam kết chị Phượng đại diện các khách hàng lao động Mỹ ký với Công ty Bình Minh có nêu rõ phía công ty không ra được Visa cho khách hàng sẽ hoàn tiền trước ngày 16/7.

“Thực tế, đến thời hạn như cam kết, phía Công ty Bình Minh đã không ra được Visa cho khách hàng, nhiều tháng sau đó khách hàng không thể chờ đợi thêm nên tôi đã nhiều lần đến công ty yêu cầu trả lại tiền cọc như thỏa thuận. Tuy nhiên, phía công ty trốn tránh và đưa ra nhiều lý do để chiếm đoạt số tiền trên”, chị Phượng nói.

Theo chị Phượng, chiếu theo nội dung Biên bản cam kết, Công ty Bình Minh phải hoàn trả lại số tiền trên cho khách hàng. Việc công ty vẫn không chịu hoàn trả lại cho khách hàng như đã cam kết không chỉ gây ảnh hưởng đến chị Phượng mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và cuộc sống của các khách hàng.

Đùn đẩy trách nhiệm cho nhân viên

Để làm rõ nội dung chị Phượng phản ánh, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Trần Thị Hạnh - Phó Giám đốc Công ty Bình Minh – người đại diện công ty ký hợp đồng với các khách hàng do chị Phượng đứng tên, bà này cho biết, hiện chị Phượng đang vi phạm một số cam kết về việc cung cấp khách hàng nên công ty không giải quyết.

“Cái này lần đầu chị Phượng đến hợp tác với tôi, lần đầu chị ấy gửi rất nhiều nhưng sau đó lại rút dần về và hiện tại chỉ có 3 lịch Mỹ là đối tượng xuất khẩu lao động, 3 lịch Úc, 1 lịch Canada. Tất cả đã có lịch lăn tay và có thư chấp thuận.

Hiện tại 3 lịch Úc lăn tay lâu rồi nhưng đại sứ quán chưa có thông báo là trượt hay đậu. Nếu không được thì trong tháng này hoặc đầu tháng sau chúng tôi sẽ trả cọc với 3 lịch Úc. Nhưng 3 khách hàng đi xuất khẩu lao động ở Mỹ chị Phượng đã hủy 2 lao động rồi. Chúng tôi yêu cầu 3 lao động Mỹ phải cọc treo ngân hàng cho công ty, khi đó mới trả lại tiền cho 3 lao động Úc”, bà Hạnh nói.

Cũng theo bà Hạnh, phía công ty chưa kiện ngược lại chị Phượng thì thôi chứ chị này không thể phản ánh công ty được.

Việc giao nộp tiền cọc của khách hàng mà chị Phượng thực hiện với Công ty Bình Minh đều có phiếu thu rõ ràng.

“Đây là hợp đồng chúng tôi ký với chị Phượng, chị Phượng đại diện các khách hàng ký với chúng tôi, còn nếu người lao động trực tiếp ký với chúng tôi đến đây chúng tôi sẽ trả tiền lại ngay cho họ”, bà Hạnh cho biết thêm.

Khi được hỏi về việc chị Phượng là nhân viên của công ty, nếu xảy ra các vấn đề gì trước tiên phía công ty phải trực tiếp giải quyết với lao động theo cam kết thì bà Hạnh cho biết vấn đề này không thể trả lời, yêu cầu chúng tôi làm việc với ông Trần Bình Minh – Giám đốc Công ty Bình Minh.

Ngày 6/9, chúng tôi đến trụ sở Công ty Bình Minh, tại đây theo ghi nhận có rất đông lao động ở Hà Tĩnh đang đến làm việc với công ty yêu cầu trả tiền cọc vì đều không thực hiện đúng cam kết.

“Công ty này cam kết ra Visa cho chúng tôi nhưng quá thời hạn nhiều tháng họ không làm được cũng không trả tiền cọc nên chúng tôi phải tới đây để yêu cầu trả lại”, một khách hàng người Hà Tĩnh cho biết.

Sau khi vài tiếng chờ đợi Công ty Bình Minh giải quyết với những khách hàng trên, chúng tôi được ông Trần Bình Minh mời vào phòng làm việc và ông này cho biết, chị Phượng ngày trước là đại diện công ty của ông để tiếp nhận hồ sơ học viên và đơn vị không làm việc trực tiếp với học viên hay người lao động.

“Em gái tôi (bà Trần Thị Hạnh – Phó GĐ Công ty Bình Minh) trực tiếp làm việc với Phượng chứ tôi không làm việc với chị ấy. Về vấn đề hồ sơ, chúng tôi là công ty dịch vụ du lịch Visa, tất cả những gì tôi làm đúng theo trình tự của pháp luật. Ai làm sai người đó chịu, tôi làm sai cái gì tôi chịu trách nhiệm, cái gì bên nhân viên làm sai phải đứng ra chịu trách nhiệm với công ty”, ông Minh nói

Ông Minh cũng phân bua: “Lịch đặt đại sứ, hồ sơ nhân viên làm là tất cả tiền bỏ ra trước, bây giờ làm xong toàn bộ rồi mà đến ngày lịch không đi, hủy hồ sơ thì ai là người chịu trách nhiệm. Chị Phượng phải xử lý 7 bộ hồ sơ đã cam kết với chúng tôi, khi đó chúng tôi mới hoàn trả 3 bộ kia. Bây giờ phải xử lý lỗi của chị Phượng trước, sau đó bên công ty sẽ xử lý lỗi của công ty nhưng chị Phượng không chịu hợp tác".

Vị giám đốc này cho rằng, nếu công ty sai hoặc có dấu hiệu lừa đảo, thì người đầu tiên chị Phượng phản ánh là bên công an chứ không phải bên báo. Đến tiến trình bên công an làm chậm hay đang xử lý nếu chị ấy cần hỗ trợ khi đó mới nhờ đến báo chí.

Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP