Thể thao

Còn đâu cái uy của “ông vua sân cỏ“!

Đã từ lâu, những trọng tài Việt Nam nói chung và V.League nói riêng vẫn được nhắc đến như những bóng ma sân cỏ thay vì biệt danh “ông vua sân cỏ”. Bóng dáng người cầm cân nẩy mực khiến các cầu thủ phải nể sợ đang ngày một mờ đi.

Câu chuyện "cái uy trọng tài" xin được bắt đầu bằng những án phạt khác nhau dành cho tổng cộng 9 cầu thủ vì chơi bóng bạo lực từ đầu mùa giải 2018. Tại V.League, đó là Nguyễn Tăng Tiến (HAGL), Nguyễn Hải Huy, Mạc Hồng Quân (HAGL), Nguyễn Quốc Long (Sài Gòn) và Trần Mạnh Cường (Nam Định). Tại Cúp QG và Hạng Nhất là Huỳnh Tấn Tài (Long An), Sầm Ngọc Đức, Trương Đình Luật (TP HCM) và Nguyễn Xuân Thành (FLC Thanh Hóa).

Người nhẹ nhất nhận án kỷ luật cấm thi đấu 2 trận, người nặng nhất là 5 trận và bị phạt tiền để răn đe cho những hành vi cố tình xâm phạm thân thể người khác. Trong đó, các pha đánh nguội và trả đũa của Xuân Thành hay Trần Mạnh Cường đều qua mắt được trọng tài.

Trọng tài Nguyễn Văn Kiên là trường hợp đầu tiên mùa bóng 2018 bị VPF công khai cắt hợp đồng, thôi làm nhiệm vụ. Ảnh: Goal

Mới đây, tại vòng 7 V.League, quả phạt đền “tưởng tượng” ở phút 88 được trung vệ Trần Văn Vũ thực hiện thành công mang về cho S. Khánh Hòa BVN một trận hòa. Cú ngã quá đẹp của Zarour Chaher khiến trọng tài Nguyễn Văn Kiên mắc sai sót đã dẫn đến bước ngoặt quan trọng của mùa giải khi hàng loạt quyết sách quan trọng từ VPF về công tác trọng tài được đưa ra.

VPF quyết định không mời làm nhiệm vụ tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong thời gian tới đối với 3 cá nhân: Trọng tài Nguyễn Văn Kiên, trọng tài Nguyễn Trọng Thư, phó ban trọng tài Dương Văn Hiền. Đối với trường hợp trọng tài Nguyễn Văn Kiên, VPF không mời làm nhiệm vụ vô thời hạn.

Dù Ban Trọng tài VFF chưa có kết luận chính thức về tình huống thổi phạt 11m của trọng tài Kiên. Tuy vậy VPF vẫn kiên quyết không mời làm nhiệm vụ vô thời hạn với trọng tài này do những sai sót liên tục của ông trong thời gian qua. Thực tế, VPF là đơn vị thuê trọng tài và vì chất lượng giải đấu, họ có quyền làm điều đó.

Cách đây 2 năm, trọng tài Hà Anh Chiến cũng bị “trảm” vì một tình huống tương tự, khi trọng tài này biếu không cho FLC Thanh Hóa một quả penalty, khiến SLNA mất chiến thắng và bị treo còi vĩnh viễn. Chuyện trọng tài bị “xử”, không được mời làm nhiệm vụ tại V.League đã không còn là chuyện hiếm, xảy ra như thông lệ. Trung bình mỗi mùa, có nhiều hơn 2 vị trọng tài chia tay bóng đá Việt.

Trọng tài Hà Anh Chiến từng làm nổi sóng V.League 2016 và bị VFF treo còi vĩnh viễn. Ảnh: Trung Kiên

Vì sao trọng tài sai, một là chuyên môn kém, không nắm chắc luật nên không tự tin, thiếu quyết đoán và thể lực không đảm bảo để theo kịp tình huống. Thứ hai, là có chuyên môn tốt nhưng gặp vấn đề về tư tưởng. Thứ ba là vừa có chuyên môn hạn chế, vừa dễ bị tác động bởi những áp lực vô hình bên ngoài sân cỏ.

Trong một trò chơi mà trọng tài là người được trao quyền tối thượng và định đoạt. Cái uy của trọng tài không chỉ đến từ năng lực chuyên môn, nó đến từ bản lĩnh và sự tôn trọng của người chơi dành cho họ.

Nhiều tình huống trọng tài mắc lỗi nghiêm trọng chỉ vì bị cầu thủ qua mắt, đánh lừa. Thế nhưng một khi người cầm cân nẩy mực trên sân đã ra quyết định thiếu chính xác, thiếu thuyết phục thì sự tôn trọng và niềm tin của cầu thủ, khán giả và chính Ban tổ chức giải sẽ không còn đối với họ.

Đó là nguyên nhân cứ vào cuối mùa, VPF lại phải tìm đến trọng tài ngoại./.

Tác giả: Trung Kiên

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP