Trong tỉnh

Có tình trạng tinh thần đấu tranh “nguội” nhưng lại muốn có “lò nóng”!

Để đáp ứng sự quan tâm của bạn đọc đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng tại Nghệ An, Báo Nghệ An có cuộc đối thoại với đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy.

Đoàn công tác tỉnh giám sát việc quản lý, thực hiện các dự án đô thị tại thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mai Hoa

PV: Thưa đồng chí, một trong những điều mà dư luận cán bộ, đảng viên và quần chúng hết sức quan tâm hiện nay là giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Để làm được việc đó, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đồng chí có thể cho biết, đối với Đảng bộ Nghệ An, việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng trong năm 2017 được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, ngày càng được cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân quan tâm, coi đó là phương thức, công cụ quan trọng để giữ nghiêm kỷ luật Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Nhận thức rõ điều đó, đội ngũ làm công tác kiểm tra Đảng đã đoàn kết, thống nhất, tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc để góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Trong nhiều kết quả đạt được, có thể điểm qua một số kết quả cụ thể trong năm 2017 như sau:

Cấp ủy các cấp kiểm tra 1.980 tổ chức đảng, 3.890 đảng viên; kết luận 88 tổ chức đảng,176 đảng viên thực hiện chưa tốt trong đó có 54 tổ chức đảng, 94 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phải thi hành kỷ luật và đã thi hành kỷ luật 6 đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 500 tổ chức và 797 đảng viên, trong đó có 382 cấp ủy viên các cấp chiếm 48 % (tăng 5% tổ chức và giảm 5% đảng viên so với năm 2016) gồm: UBKT Tỉnh ủy kiểm tra được 6 đảng viên, đã kết luận 6 đảng viên, qua kiểm tra đã làm rõ các sai phạm của các cá nhân có liên quan, quyết định thi hành kỷ luật đối với 3 đảng viên, đề nghị thi hành kỷ luật theo thẩm quyền với hình thức cảnh cáo 2 đảng viên, khiển trách 1 đảng viên. UBKT cấp dưới kiểm tra 500 tổ chức đảng và 790 đảng viên; kết luận có 336 tổ chức đảng (67%) và 601 đảng viên (76%) vi phạm; Phải thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng (chiếm 1,2% số tổ chức vi phạm), và 117 đảng viên (chiếm 35% số đảng viên vi phạm).

UBKT các cấp đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 2.049 tổ chức đảng (tăng 7% so với năm 2016); kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 1.580 tổ chức (tăng 10 tổ chức đảng so với năm 2016).

Kết quả kiểm tra cho thấy 1.791 tổ chức đảng xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, làm tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, 291 tổ chức đảng chưa làm tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. UBKT Tỉnh ủy kiểm tra việc thi hành kỷ luật của 10 tổ chức đảng cấp dưới; Ủy ban kiểm tra cấp dưới kiểm tra 1.570 tổ chức, kết quả 1.467 tổ chức làm tốt, 113 tổ chức chưa làm tốt công tác thi hành kỷ luật.

Về thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy các cấp và chi bộ thi hành kỷ luật 15 tổ chức đảng (tăng 7% tổ chức đảng so với năm 2016), trong đó 14 bằng hình thức khiển trách, 01 bằng hình thức cảnh cáo. Trong số tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật có 08 đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy cơ sở và 7 chi bộ. Cấp ủy đã thi hành kỷ luật 829 đảng viên (tăng 28% so với năm 2016). bao gồm: khiển trách 579; cảnh cáo 201; cách chức 32; khai trừ 17 đảng viên.

Trong đó: Huyện ủy, BTV huyện ủy (tương đương) 163; đảng ủy cơ sở 538; chi bộ 128. Trong số đảng viên bị thi hành kỷ luật có 115 đồng chí là cấp ủy viên các cấp. UBKT các cấp thi hành kỷ luật 173 đảng viên (tăng 70% so với năm 2016) có 94 đảng viên là cấp ủy viên các cấp. Trong đó UBKT thi hành kỷ luật 2 đảng viên; UBKT cấp dưới thi hành kỷ luật 171 đảng viên.

PV: Có ý kiến cho rằng “lò”xử lý kỷ luật, sai phạm, vi phạm ở Trung ương thì “nóng”, còn ở các địa phương (nói chung) thì còn… “nguội”, đồng chí nghĩ như thế nào về ý kiến này?

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Có thể nhận thấy dư luận đang đặt kỳ vọng lớn, gửi gắm niềm tin lớn vào công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng của toàn hệ thống chính trị. Với số lượng các cuộc kiểm tra, giám sát, phát hiện sai phạm, xử lý kỷ luật ở trên thì rõ ràng chúng ta đã làm quyết liệt, nhưng do tâm lý một số ít nôn nóng muốn biết kết quả kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật khi vi phạm, nhất là qua các kênh truyền thông nói nhiều về một số vụ việc do Trung ương xử ý thì muốn ở địa phương cũng làm rầm rộ.

Qua đây, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc về việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng phải tiến hành theo đúng Điều lệ, quy định hiện hành và một trong những yêu cầu quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát là để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm; không để những thiếu sót, khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn,…

Mặt khác, qua kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vi phạm thì tùy mức độ, tính chất vi phạm để xử lý đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, có tính răn đe và hiệu quả giáo dục, khẳng định không có bao che, không có vùng cấm.

Chính nhờ thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát từ trước đến nay nên đã ngăn chặn được các sai phạm từ khi mới hình thành, vì vậy cho đến nay chưa phát hiện các vi phạm lớn. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng hoạt động của công tác kiểm tra có nơi này, nơi khác chưa ngang tầm, chưa đáp ứng kỳ vọng.

Các vụ việc ở Trung ương có tính chất phức tạp, quy mô lớn nên các cơ quan báo chí tập trung phản ánh nhiều, điều này cũng góp phần thổi “sức nóng” lên dư luận. Còn các vụ việc, sự việc xử lý ở địa phương có tính chất, mức độ nhỏ hơn và hậu quả ít nghiêm trọng thì ít khi dư luận, báo chí quan tâm hơn, ít tạo hiệu ứng truyền thông nên có thể vì thế mà khó cảm nhận là “nóng”.

Với Nghệ An, có thể thấy rằng, các kết quả trong năm 2017 với việc phát hiện các tổ chức và đảng viên vi phạm, thi hành kỷ luật lên đến con số hàng trăm, với các mức kỷ luật từ cao đến thấp, cho thấy việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã đi vào cuộc sống, trở thành việc làm thường xuyên, hiệu quả thực thụ, không mang tính hình thức, phong trào.

Qua kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đã giúp tổ chức đảng và đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế, ổn định nội bộ, tổ chức đảng đoàn kết hơn, củng cố được niềm tin trong tổ chức đảng và trong nhân dân. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng.

Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát đã tác động tích cực đến việc hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch KT-XH của tỉnh (Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,13%; thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (trên 12.000 tỷ đồng); đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,3%; VH-XH có nhiều khởi sắc; QP-AN được củng cố và giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường…

PV: Từ thực tiễn hoạt động, đồng chí có thể cho biết một số khó khăn, vướng mắc, cả những tồn tại, hạn chế của công tác kiểm tra hiện nay?

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Bên cạnh những kết quả đạt được do những thuận lợi là cơ bản, thì công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cũng còn tồn tại những hạn chế, yếu kém, khó khăn.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu, nhất là ở cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác kiểm tra, giám sát. Vai trò tham mưu của một số ủy ban kiểm tra chưa được phát huy tốt.

Đội ngũ làm công tác kiểm tra ở cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập (về trình độ, bản lĩnh, kỹ năng… còn hạn chế). Cán bộ kiểm tra cấp cơ sở là kiêm nhiệm; chế độ, chính sách còn hạn chế. Bên cạnh đó, sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, nhiều ủy ban kiểm tra đội ngũ cán bộ mới, chưa có kinh nghiệm trong khi yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát phải am hiểu, tinh thông nhiều lĩnh vực, có tính kế thừa và kinh nghiệm v.v.

Việc tham mưu chương trình kiểm tra, giám sát chưa tập trung lĩnh vực nhạy cảm, xã hội quan tâm, dễ phát sinh sai phạm; chưa giành thời lượng thỏa đáng để kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực kinh tế, tài chính. Chưa tập trung đúng mức kiểm tra, giám sát một số vấn đề còn nhiều tồn tại, hạn chế ở cơ sở, như: vấn đề nợ đọng; việc kê khai tài sản của cán bộ; việc tuyển dụng cán bộ, công chức; đầu tư mua sắm công; việc thu phí và các khoản huy động...

Việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên còn nhiều khó khăn một mặt do dấu hiệu vi phạm ngày càng tinh vi, mặt khác vẫn còn tâm lý e ngại, nể nang, né tránh.

Khoáng sản là một trong những lĩnh vực được tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm. Ảnh: Mai Hoa

PV: Theo đồng chí, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn trước mắt và lâu dài, cần phải làm gì để công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đạt được hiệu quả như kỳ vọng, mong muốn?

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Có nhiều việc cần làm, trong đó, tôi cho rằng có một số việc cần làm ngay.

Thứ nhất là, bản thân các đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu trong đấu tranh với các biểu hiện sai phạm, vi phạm, không bao che, né tránh, không “làm ngơ”, “làm thinh”.

Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tiến hành thực chất và có hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQTW4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

Cán bộ, đảng viên, và quần chúng muốn Đảng trong sạch, vững mạnh, thì phải thể hiện trách nhiệm bằng cách thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm, vi phạm, sai phạm của đồng chí, của tổ chức. Chứ không phải việc phát hiện và xử lý sai phạm coi như việc riêng của kiểm tra, thanh tra, giám sát. Thiết nghĩ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là công tác xây dựng Đảng, vì vậy cần nhận thức rõ công tác KTGS là công việc thường xuyên, lâu dài, là chức năng quan trọng của cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp.

KTGS phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị; từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng; thực hiện xây đi đôi với chống và theo nguyên tắc, phương pháp công tác đảng; thực sự làm cho công tác KTGS là công cụ, là động lực trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, góp phần làm cho bộ máy của chúng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.

Thứ hai là cần mở rộng chương trình kiểm tra trên các lĩnh vực trọng tâm, bức xúc, các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như: quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên- môi trường, tài chính, đầu tư xây dựng mua sắm công, công tác cán bộ v.v. Đây chính là lĩnh vực “nhạy cảm”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sai phạm gây mất lòng tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ ba là cần có cơ chế giám sát quyền lực có hiệu quả để tránh tình trạng độc đoán chuyên quyền – nguyên nhân của nhiều sai phạm hoặc bao che sai phạm.

Cuối cùng, điểm mấu chốt, đó là cần có hình thức bảo vệ đội ngũ những người làm kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, những người có tinh thần đấu tranh, để họ không bị chi phối, không nể nang, né tránh, không bị cô lập, trù dập, đe dọa, cả về sức khỏe, tính mạng, cả về sinh mạng chính trị.

Tôi tin rằng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, chính là việc làm thể hiện ý Đảng hợp với lòng dân, nên chắc chắn công việc này sẽ đạt được hiệu quả, thành công!

Pv: Cảm ơn đồng chí!

Tác giả: Ngô Kiên

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP