Kinh tế

Cổ phiếu thuộc 'họ' Vingroup tăng 63% từ đầu năm

Dù chỉ có vài tỷ doanh thu nhưng cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam vẫn có chuỗi tăng ấn tượng tới 63% từ đầu năm.

Trong bối cảnh thị trường hưng phấn, cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) tăng kịch trần lên mức 180.500 đồng/cp. Kể từ đầu năm đến nay, thị giá của VEF đã tăng đến 63%. Đây cũng là mức giá cao nhất mà cổ phiếu này ghi nhận kể từ tháng 6/2022.

Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của VEFAC đã đạt mức 30.071 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD). Như vậy, giá trị của doanh nghiệp này đã ngang với Vietnam Airlines hay Khang Điền, thậm chí vượt cả VNDirect, Kinh Bắc, Viglacera, Phát Đạt, FPT Retail...

VEFAC được biết đến là công ty con của Vingroup (mã chứng khoán: VIC), do tập đoàn này sở hữu hơn 83% vốn. Đồng thời, doanh nghiệp còn được biết đến là chủ của khu "đất vàng" tại số 148 Giảng Võ và siêu dự án 1,5 tỷ USD tại Đông Anh.

Thị giá của VEF đã tăng đến 63% kể từ đầu năm đến nay

Cụ thể, theo báo cáo thường niên năm 2022, VEFAC cho biết, tại Đông Anh doanh nghiệp đang triển khai 2 dự án là Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (tổng vốn đầu tư khoảng 34.879 tỷ đồng) và Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (hơn 7.336 tỷ đồng). Hai dự án này có tổng diện tích hơn 300 ha, cách trung tâm Hà Nội 15 km và giáp tuyến đường quy hoạch nối từ cầu Tứ Liên đi vành đai 3.

Một điều đặc biệt về doanh nghiệp này, dù công ty có doanh thu thấp chỉ vài trăm triệu đến vài tỷ nhưng vẫn báo lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi quý. Ví dụ, như năm 2023, doanh thu 9 tỷ đồng, gấp gần 10 lần năm trước. Nhờ doanh thu hoạt động tài chính đạt 564 tỷ đồng, lợi nhuận VEFAC trong năm qua đạt mức 435 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp từ trước đến nay.

Thực tế, không chỉ riêng năm 2023, các năm trước đó lợi nhuận của doanh nghiệp này đều không đến từ doanh thu của hoạt động kinh doanh chính mà chủ yếu từ hoạt động tài chính.

Tại thời điểm 31/12/2023, tiền và các khoản tương đương tiền của VEF đạt 1.330 tỷ đồng. Trong đó, gần 1.320 tỷ đồng là các khoản tương đương tiền bao gồm các khoản có thời gian thu hồi nhỏ hơn 3 tháng với lãi suất 8,5%/năm...

Thị trường đóng cửa khi VN-Index tăng vọt hơn 25 điểm trong phiên 13/3 tại mốc 1.270,51 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 18/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành công nghệ thông tin dẫn đầu đà tăng, theo sau là dịch vụ tài chính, hóa chất, …

Theo dự báo của các công ty chứng khoán, trong những phiên giao dịch tới, thị trường có thể tiếp tục quán tính tăng điểm lên vùng 1.280 – 1.300.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, VN-Index tiếp tục có diễn biến phục hồi tăng điểm thuyết phục với thanh khoản mua chủ động gia tăng ấn tượng. Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung đã bật nảy tăng điểm sau khi giao cắt với đường MA20 phiên hôm qua.

Đường ADX và DI+ vẫn đang neo ở vùng cao quanh mốc 41 và 32 cho thấy thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng trung hạn và kỳ vọng ngắn hạn quay lại mốc 1.300. Ở khung đồ thị giờ, đường MACD đã cắt lên đường chỉ báo và hướng lên từ vùng thấp và RSI cũng đồng thời hướng lên, và chỉ báo dòng tiền CMF đã quay về sát mốc 0 từ vùng thấp góp phần củng cố cho xu hướng của thị trường.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cũng cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp, nhưng VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 1.268 điểm. Đồng thời, thị trường có thể sẽ còn phân hóa trong giai đoạn này khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong phiên tới, còn nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng mạnh trở lại cho thấy nhà đầu tư đang lạc quan trở lại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung được nâng từ mức trung tính lên tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tăng dần tỷ trọng cổ phiếu trở lại và mua mới.

Tác giả: Quỳnh Chi

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: cổ phiếu VEF ,Vingroup

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP