Giáo dục

Cô giáo “tiếp lửa” đam mê Vật lý cho học trò

Học trò của cô nhiều em đến từ các huyện nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bởi vậy bên cạnh việc dồn toàn bộ tâm huyết vào các bài giảng, cô Thơ An còn tìm các chương trình học bổng “kéo” về cho học sinh. Đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, cô luôn tìm cách giúp đỡ nhưng hết sức tế nhị để các em không phải tủi thân.

co giao tho an 2 1479564489110
Cô giáo Lê Thị Thơ An (ngoài cùng, bên trái) trong buổi đón cậu học trò Nguyễn Ngọc Khánh trở về từ cuộc thi Olympic Vật lý Quốc tế với tấm Huy chương Bạc.

Sinh năm 1976, 16 năm công tác trong ngành, có 38 lượt học sinh giỏi tỉnh, quốc gia và quốc tế, hướng dẫn 2 công trình nghiên cứu kỹ thuật đạt giải cấp quốc gia, đó là bảng thành tích của cô giáo Lê Thị Thơ An (bộ môn Vật lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) khiến nhiều đồng nghiệp nể phục.

Nếu cô không bật mí, có thể cũng chẳng ai biết được rằng, cô đến với nghề trồng người hoàn toàn không phải là do ý thích của bản thân mà chủ yếu là để vừa lòng bố mẹ. Nhưng rồi, càng dạy, càng công tác, càng thấy yêu và đam mê với nghề, với những khát khao chinh phục tri thức của các em học sinh đến từ mọi miền quê xứ Nghệ.

Bước ra từ lớp Vật lý Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, theo học khoa Sư phạm Vật lý Trường ĐH Vinh, năm 1998, vượt qua nhiều ứng viên kỳ cựu, cô cử nhân với tấm bằng tốt nghiệp Sư phạm loại Giỏi đã chính thức trở thành giáo viên Vật lý của ngôi trường mình từng theo học. Được trở thành đồng nghiệp của các thầy cô giáo của mình đó là một niềm vinh dự nhưng cũng là một áp lực không nhỏ đối với giáo viên mới vào nghề như cô Thơ An. Nhưng rồi được các thầy cô giáo đồng nghiệp yêu quý, truyền thụ kinh nghiệm, được các em học sinh tin tưởng, cô dần vững vàng hơn trong nghề.



Năm học 2009-2010, lần đầu tiên cô Thơ An chính thức đảm nhiệm nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ thi học sinh giỏi Vật lý của trường. “Thực ra thì nhà trường đã vận động tôi tham gia bồi dưỡng ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi từ khá lâu nhưng tôi không dám nhận. Tôi sợ mình chưa đủ năng lực và kinh nghiệm vì mới vào nghề chưa lâu rồi còn việc gia đình, con cái, không thể sắp xếp ổn thỏa để toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ mới được”, cô Thơ An tâm sự.

Nhưng rồi khoa Vật lý thiếu người, không còn ai “gánh vác hộ” nhiệm vụ, nên cô Thơ An không còn “chối” được nữa và bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của trường. “Không nhận lời thì thôi, nhưng đã nhận công việc, trách nhiệm thì phải làm đến nơi đến chốn. Đây cũng là cơ hội để mình nâng cao hơn năng lực chuyên môn của mình”, cô Thơ An nói.

co giao tho an 1 1479564489070
Cô Thơ An chia sẻ chuyện nghề với phóng viên.

Lứa học sinh cô ôn luyện đầu tiên “ra lò” năm 2012, 100% học sinh thi HSG quốc gia đều đậu và có giải, cũng năm đó, nhiều em đỗ ĐH với kết quả cao. Đó là thành công của cả một tập thể giáo viên, học sinh chung sức, chung lòng, chung trí tuệ. Nhưng với riêng cô Thơ An, đó là dấu mốc quan trọng để tin tưởng, tâm huyết hơn nữa trong con đường mình đã chọn.

Sách tham khảo ở bên ngoài bày bán rất nhiều, nhưng ở mức độ chuyên sâu dành cho học sinh luyện thi quốc gia, quốc tế thì hiếm. Vì vậy, mỗi lần đi đâu, cô Thơ An lại chăm chú đi tìm sách. Gặp quyển nào hay lại mua về photo cho học trò. Cô còn huy động đội ngũ cựu học sinh tìm sách hay cho các em học sinh khóa dưới. Những đợt nghỉ lễ, cô mời các em học sinh cũ đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế về “đứng lớp” cho các em khóa sau, chia sẻ những kinh nghiệm học tập, ôn thi…

Học trò của cô, nhiều em đến từ các huyện nghèo trong tỉnh, điều kiện học tập không được như các bạn ở thành phố. Bằng sự nhạy bén của một giáo viên và một người mẹ, cô Thơ An tìm cách giúp đỡ các em mà không để học trò của mình phải chạnh lòng về hoàn cảnh của mình. Cô thường xuyên “săn” học bổng rồi kéo về cho học trò rồi trả lại tiền học cho các em.

“Học trò bây giờ nhanh nhạy lắm, tâm lý lứa tuổi cũng phức tạp, nếu mình không khéo, có khi lại khiến các em thêm mặc cảm, tủi thân”, cô Thơ An chia sẻ. Bởi vậy, trên lớp, các em đều đóng tiền bình thường như các bạn, số tiền đó cô sẽ tìm cách trả lại cho học sinh sau để em không phải e ngại với bạn bè. Sự âm thầm giúp đỡ của cô được đền đáp xứng đáng bằng những thành tích nổi trội của học trò trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế hay tuyển sinh đại học.

Cái sự say mê của nữ giáo viên duy nhất trong tổ Vật lý Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cũng rất đặc biệt. Nhiều khi đang chấm bài, phát hiện bài làm của học sinh có gì đó chưa ổn, chẳng kịp nghĩ lúc ấy là mấy giờ, gọi điện cho trò, “quạt” một trận. Tắt điện thoại rồi mới biết, cú điện thoại của mình đã “dựng” học trò dậy khi trời đã bước sang ngày mới.

co giao tho an 3 1479564489090
Với các em học sinh, cô Thơ An vừa là người thầy, vừa là người mẹ, người chị, người bạn để các em có thể chia sẻ, tâm sự và tìm những lời khuyên cho những vấn đề của bản thân.

Không chỉ dồn hết tâm sức, trí tuệ vào từng bài giảng cho học sinh, có những khi, trong các kỳ thi quốc tế, cô Thơ An cùng các đồng nghiệp của mình phải “đấu điểm” với ban tổ chức để bảo vệ thành tích của học trò. Cô Thơ An kể: “Thường thì sau khi các thi sinh làm bài xong, ban giám khảo sẽ photo bài thi của các em cho đoàn giáo viên tự chấm theo ba-rem điểm quy định. Sau đó, 2 bên sẽ trao đổi kết quả chấm thi cho nhau. Chúng tôi sẽ xem lại điểm ban giám khảo chấm, nếu câu nào thấp điểm so với dự kiến thì phải “đấu điểm”, tranh luận với giám khảo để nâng điểm cho học trò. Vì vậy, trò thi mà cô thầy cũng thi, rất căng thẳng”.

Tại kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á – Thái Bình Dương năm 2015, đoàn giáo viên Việt Nam đã đấu và giành lại 2,5 điểm cho em Nguyễn Ngọc Khánh. Đó là một cuộc thi cực kỳ khó với tất cả các thí sinh dự thi chứ không chỉ với đoàn học sinh Việt Nam. Bằng nỗ lực của bản thân Khánh và các thầy cô giáo trong đoàn, Nguyễn Ngọc Khánh xuất sắc giành Huy chương Vàng.

Dù hết sức tin tưởng học trò nhưng cô Thơ An không dám tin vào mắt mình khi tên của Khánh xuất hiện trên bảng tổng sắp với vị trí cao nhất. “Tôi phải níu vai thầy giáo trong đoàn, hỏi xem có phải tên học trò mình không. Một cảm xúc vui sướng đến vỡ òa, nước mắt cứ thế tuôn ra”. Cũng trong năm đó, Nguyễn Ngọc Khánh giành Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế.

Học trò của cô, giờ đã tỏa đi muôn phương, có người đã vững vàng bước con đường sư phạm, có em tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu nhưng tất cả đều luôn dành cho cô sự yêu quý và kính phục. Ngày lễ tết, ngày Hiến chương các nhà giáo, được đón các em học sinh xa trở về hay đơn giản là nhận một lời nhắn dài đầy tình cảm của học trò, đối với cô Thơ An, đó là niềm hạnh phúc bình dị mà lớn lao của người thầy, để thấy rằng mình đã lựa chọn đúng khi theo nghề sư phạm và có đủ tự tin để gắn bó với nghề.

Tác giả bài viết: Vĩnh Khang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP