Xã hội

Cô gái 20 tuổi nuôi gia đình 13 người mong cả nhà được ăn thứ mình muốn

Mẹ ruột của Nurul bỏ đi từ khi con gái út mới 3 tháng tuổi và người cha đang bị ung thư giai đoạn 4.

Nurul (ở giữa) phải nghỉ học từ năm 17 tuổi để kiếm tiền nuôi cả gia đình.

Căn phòng nhỏ, hẹp lúc nào cũng ồn ào tiếng trẻ khóc lóc, la hét và cãi cọ, ba người phụ nữ với sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt đang cố gắng xoay xở với với sáu đứa trẻ hiếu động. Khung cảnh hỗn loạn này vốn quen thuộc với Nurul Asyiquin Buang (Tampines, Singapore), một cô gái 20 tuổi nhưng đã phải gánh trọng trách là trụ cột gia đình nuôi 13 miệng ăn.

Năm 17 tuổi, khi đang là sinh viên ngành kỹ thuật tại Học viện Giáo dục Kỹ thuật (ITE), Nurul phải từ bỏ giấc mơ còn dang dở của mình để bươn chải ngoài cuộc sống. Cha của cô bị bệnh mãn tính và không thể làm các công việc có thu nhập tốt. Cô gái trẻ đã nói với The New Paper rằng: "Tôi cảm thấy đó là trách nhiệm của mình, không ai yêu cầu tôi làm điều này".

Mọi sinh hoạt trong gia đình hiện tại đều phụ thuộc vào tiền lương làm bồi bàn hàng tháng của Nurul, khoảng 1.500 SGD. Số tiền này dùng để duy trì cuộc sống cho bố, mẹ kế, ba em trai, hai em gái, bốn người anh em cùng cha khác mẹ, cháu gái, cháu trai và bản thân Nurul. Anh trai lớn của cô đã bỏ nhà đi.

Hơn mười người trong gia đình Nurul sống tại một căn hộ hai phòng ở Tampines, phòng ngủ đã được tận dụng đối đa không gian cho 8 người. Cuộc sống vô cùng khó khăn và Nurul cho biết, gia đình cô đã 45 ngày liền không có thịt trong các bữa ăn. Món ăn chủ yếu mỗi ngày đều là rau cải và lương khô do nhân viên xã hội mang đến.

Gia đình của Nurul nhận được một khoản hỗ trợ từ các tổ chức phúc lợi tự nguyện nhưng thường không kéo dài. Tuy nhiên, mỗi tháng, họ đã phải dùng tới 1.250 SGD để mua sữa bột cho bọn trẻ.

Thiếu thốn về kinh tế nhưng Nurul luôn cho rằng mình hạnh phúc.

Cha của Nurul, ông Buang Taib, 55 tuổi, làm công việc bảo vệ bán thời gian trong khi đang phải chữa trị nhiều loại bệnh, bao gồm cả ung thư phế quản giai đoạn 4 và bệnh tiểu đường. Sau một lần bị đột quỵ trong một ca trực, gia đình đã khuyên ông giảm bớt công việc. Hiện tại, ông được cấp thẻ Trợ cấp Y tế để hỗ trợ phần nào chi phí chữa bệnh.

Mẹ ruột của Nurul bỏ đi khi con gái út mới 3 tháng tuổi và mẹ kế đã chăm sóc gia đình Nurul từ đó đến nay. Người em gái 16 tuổi của Nurul cũng thường xuyên phải nghỉ học để phụ giúp mẹ chăm sóc các em. Ngoài ra, em còn làm thêm công việc thu ngân tại nhà hàng với mức lương 6 SGD một giờ.

Cũng như chị gái, em của Nurul vẫn hy vọng một ngày nào đó có thể theo học tại ITE hoặc một ngành nghề liên quan đến công nghệ. Cô mong muốn có nhiều thời gian vui vẻ hơn với cả gia đình. "Bây giờ tôi hơi căng thẳng, tôi muốn chúng tôi như trước đây. Chúng tôi từng là một gia đình hạnh phúc, có thể đi chơi nhiều hơn. Còn hiện tại, chúng tôi hiếm khi đi ra ngoài. Tôi biết ơn Nurul, chị ấy luôn chăm lo cho tôi", người em gái chia sẻ.

Trong khi đó, một cậu em trai của Nurul là Muhammad Hanif Buang, 19 tuổi, đang là sinh viên năm thứ ba tại trường Bách khoa Nanyang.

Mặc dù điều kiện của gia đình khó khăn như thế nhưng Nurul cho rằng mình luôn hạnh phúc. Cô bảo: "Chúng tôi là một gia đình hạnh phúc. Đôi khi, tôi cảm thấy buồn vì không thể có điều kiện cho mọi người ăn những gì mình muốn. Tôi hy vọng sẽ giúp được gia đình giảm bớt gánh nặng".

Tác giả: Hà Nhi

Nguồn tin: ngoisao.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP