Thể thao

Chuyện về ông Vinh 'Nghệ'

Ông có hơn 40 năm lăn lộn cùng trái bóng, 24 năm làm Huấn luyện viên trưởng (HLV) Đội tuyển Sông Lam Nghệ An (SLNA), 8 lần trong Ban huấn luyện Tuyển Olympic Quốc gia là người có công đưa đội bóng đá xứ Nghệ được mệnh danh có lối đá 'chém đinh, chặt sắt' vươn lên giàu thành tích nhất trong các đội tuyển cả nước.

Con trai HLV Nguyễn Thành Vinh là Nguyễn Thành Công (ngoài cùng bên trái) - một trong những HLV trẻ tài năng

Hiếm có người nào đào tạo được nhiều nhân tài bóng đá như ông, nhưng cũng có những nghiệt ngã của trái bóng tròn. Đến nay, khi đã ở tuổi thất thập, niềm đam mê bóng đá càng thêm máu thịt. Ông là HLV Nguyễn Thành Vinh, anh em, bạn hữu còn gọi với cái tên thân thuộc là ông Vinh “Nghệ”…

Người thầy đưa Sông Lam Nghệ An vào lịch sử

Mười tám tuối, Nguyễn Thành Vinh được gọi vào đội tuyển thanh niên Nghệ An cùng những chúng bạn. Nhưng với cái gọi là “nghề bóng đá” thuở đó, ai cũng thấy bạc bẽo, nên nhiều người đã không gắn bó mà chuyển đi mưu sinh bằng nhiều việc khác. Riêng chàng trai Nguyễn Thành Vinh vẫn kiên định với tình yêu bóng đá. Vinh được huấn luyện từ một cầu thủ chơi xuất sắc hàng tiền đạo, rồi được đi đào tạo làm HLV.

Tháng 2/1979, khi Đội bóng đá Bộ chỉ huy quân sự Nghệ Tĩnh sáp nhập với Đội trẻ Nghệ An đổi tên thành Đội SLNA, Nguyễn Thành Vinh được giao làm HLV trưởng từ đó. Đội bóng được đánh giá có lối đá nghiêng về thể lực, nên được mệnh danh “chém đinh, chặt sắt”, vì thế các đối thủ dường như sợ bị chấn thương mỗi lần thi đấu với SLNA.

Ông Vinh suy nghĩ, bóng đá khác đi đấu vật, người xem bóng đá thực chất họ xem nghệ sĩ chơi trên sân cỏ. Từ đó, ông đã quyết tâm dày công thay đổi lối đá của SLNA bằng “thể lực sung mãn với kỹ thuật điêu luyện”.

Quả thực lối đá này đã đưa SLNA tiến bộ hẳn, năm 1984 đội chơi hạng A1 toàn quốc khiến nhiều người yêu bóng đá ngỡ ngàng. Ngày đội thăng hạng lên A1, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã ra tận khe nước Lạnh giáp Thanh Hóa đón những cầu thủ như người hùng chiến thắng trở về. Từ chỗ các đội bị xem là “chiếu dưới”, đến làng bóng đá trong nước kính nể.

Từ đó, SLNA liên tục đạt thứ hạng cao: Năm 1989 và 1991 vô địch Quốc gia; năm 1992 đứng thứ 3 Giải Vô địch Quốc gia; năm 1996 đứng thứ 3 Giải vô địch Quốc gia. Đặc biệt, năm 1997, đội đạt thành tích cao nhất: Thứ nhì giải Vô địch Quốc gia; thứ Nhì Cup Dunhil; vô địch bóng đá trong nhà, được đại diện cho Việt Nam đi dự Giải bóng đá thế giới trong nhà tại Singapore, vô địch cúp Thái Lan. Năm 1998, đội vô địch Cup Dunhil, vô địch Cúp bóng đá trong nhà, thứ 3 Cúp Quốc gia…

Với những thành tích xuất sắc đó, năm 1999 CLB SLNA vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Ông được bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ tôn vinh như thần tượng. Trong đời làm HLV đến bây giờ, ông không thể nào quên đó là năm 2003 cầm quân thi đấu vòng loại châu Á, thắng Đội tuyển Hàn Quốc 1-0 ngay trên sân đối phương. Người ghi bàn thắng là Phạm Văn Quyến - cầu thủ tài năng được ông dìu dắt khi mới học đá bóng.

Bàn thắng của Phạm Văn Quyến làm cho đội bạn bị choáng, ghi một dấu mốc cho thể thao bóng đá Việt Nam. Về nước, xuống sân bay người hâm mộ đón ông và anh em trong đội bóng như những người hùng, những lúc đó ông mới thấy ngọt ngào làm sao… Niềm vinh quang còn đọng mãi…

Ông cũng là người đã đào tạo ra được nhiều cầu thủ tài năng cho bóng đá Việt Nam như: Hữu Thắng, Phi Hùng, Văn Sĩ Hùng, Hồng Sơn, Tài Em, Công Vinh… Trong đó, có những cầu thủ trong một khoảnh khắc đã đưa vị thế bóng đá nước nhà làm bạn bè trong khu vực phải kính nể. Điển hình như Văn Sĩ Hùng tại SeaGames 19 năm 1997 tổ chức tại Indonesia.

Trong trận đấu, đội bạn đã ghi được hai bàn thắng, khán giả và chủ nhà cầm chắc phần thắng nhưng trong một phút thăng hoa Sĩ Hùng đã làm được điều không tưởng, ghi luôn 2 bàn thắng gỡ hòa 2-2 khiến cả ngàn người trên sân chết lặng.

HLV Nguyễn Thành Vinh với 25 năm làm huấn luyện viên trưởng của các đội bóng đá

Đỉnh cao và vực sâu

Từ khi SLNA “sưu tập” được nhiều thành tích đáng nể thì nhiều CLB trong cả nước đến học tập mô hình. Nhưng cũng chính trong thời điểm đó SLNA lại dính nhiều “bê bối” bởi những vụ “mua bán trong bóng đêm”. Ông Vinh quá thất vọng nên đã xin nghỉ ở đội bóng. Năm 2004, ông làm HLV trưởng Đội bóng Đông Á - Thép Pomina. Và ngay mùa giải 2005, ông Vinh đã dẫn dắt các học trò của mình thăng hạng.

Thời điểm chiến thắng ông vui quá, nên có đưa luôn tiền thưởng cá nhân của mình cho trọng tài. Nhưng không ngờ sau đó, ông lại dính nghi án đưa 130 triệu đồng tiền hối lộ cho trọng tài. Người ta nói, “sinh nghề, tử nghiệp”, ông bị bắt tạm giam cuối năm 2005 để điều tra về những cáo buộc trên. Đó cũng là những ngày tháng tủi nhục, bi đát nhất trong sự nghiệp. Ông bị người hâm mộ cũng như đồng nghiệp, đồng đội, học trò nhìn mình với những ánh mắt nghi ngờ.

Cũng trong thời gian trong trại tạm giam, ông đã có công phát hiện và cứu sống một người trong phòng giam chốt cửa treo cổ tự tử. Đó cũng là những kỉ niệm đáng nhớ mà sau này khi ngồi lại với lớp trẻ ông lại hồi tưởng về những ngày cay đắng đó. Sau đó ông được Trại giam tặng giấy khen vì có công cứu người. Sau thời gian tạm giam, ông được tuyên vô tội vì không có đủ chứng cứ.

Về sau, những lúc “trà dư tửu hậu”, ông vẫn thường tâm sự: “Bóng đá cho tôi nhiều, mà cũng cướp của tôi nhiều quá”. Nhưng dù vậy, có lúc bóng đá bạc bẽo làm ông đau thật, nhưng ông không vì thế mà hận nó. Bóng đá với ông, không thể tách rời...

Trở về với đời thường, ông vẫn được người hâm mộ và các học trò quý mến như trước bởi họ tin ông không làm việc đó, dù trước đó có nhiều dư luận trái chiều về ông. Sau những ngày tháng tủi hờn, ông về nhà, những người trong gia đình muốn ông ở nhà điền viên với con cháu, vì vinh quang, tủi nhục, đắng cay, ngọt bùi ông và vợ con ông cũng nếm đủ cả, nên không muốn ông mệt mỏi thêm. Một nửa lại cho rằng những người có kinh nghiệm “trận mạc” như ông Vinh trong làng bóng đá Việt Nam là hàng hiếm.

Ông cũng suy nghĩ nhiều lắm “làm nữa hay nghỉ?” bởi cũng vì tình yêu bóng đá mà khiến ông phải chịu bao nhiêu hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Nhiều đội bóng cũng mong muốn ông về dẫn dắt để đóng góp vào việc đào tạo, xây dựng nên bóng đá nước nhà trong thời điểm đó. Ông Vinh nói “Máu bóng đá đã thấm sâu vào con người tôi, nhiều hôm tôi nhớ sân cỏ, nhớ đồng đội vô cùng, vì thế tôi đã nhận lời về làm HLV đội Hòa Phát Hà Nội”.

Đội bóng thời điểm đó được nhiều người đánh giá là đã điêu đứng, bị rớt hạng và không còn là miền đất hứa của nhiều cầu thủ, việc vào huấn luyện ở đây thì khó khăn, gian nan hơn mọi đội bóng khác. Và rồi, với triết lý bóng đá của mình ông đã từng bước gây dựng một Hòa Phát Hà Nội mạnh mẽ và thành công được xem là một SLNA thứ 2 của nền bóng đá Việt Nam.

Sau này, ông về dẫn dắt đội bóng Hà Nội, nơi ông cùng “bầu” Kiên tạo nên một thương hiệu của bóng đá Thủ đô.

Dù ông không còn trực tiếp dẫn dắt những học trò của mình, nhưng với họ, ông luôn là người thầy trên mọi mặt từ bóng đá đến những câu chuyện đời thường. Những cầu thủ thế hệ sau này vẫn luôn coi HLV Nguyễn Thành Vinh là một người thầy đáng kính và luôn dành cho ông những tình cảm đặc biệt.

Kể cả những người đã và đang làm HLV các đội bóng, khi cần có những góp ý, đóng góp về chiến lược hay cách “bày binh bố trận” cho các cầu thủ của mình cũng đều điện thoại cho ông, hoặc trực tiếp xin ý kiến cố vấn của ông để có những kết quả tốt nhất cho các trận đấu.

Đến nay, dù tuổi đã cao, sức đã yếu và thôi nghiệp HLV, nhưng đam mê vẫn chảy trong con người ông như thời trai trẻ. Ông vẫn thường xuyên lui tới các sân xem các cháu tập, truyền đạt lại những kinh nghiệm cho HLV trẻ và những lớp thiếu niên. Đến nay người con trai của ông theo nghiệp bố, từ một cầu thủ thành một HLV trẻ tài năng…

Tác giả: Hải Hưng

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: HLV Nguyễn Thành Vinh ,SLNA

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP