Xã hội

Chuyến du lịch định mệnh khiến 23 nghệ sĩ và người thân tử nạn trên hồ Núi Cốc

Đã tròn 32 năm kể từ ngày 23 con người, trong đó phần lớn là nghệ sĩ và người thân của họ trong Đoàn Kịch Bắc Thái chết đuối tại Hồ Núi Cốc, cơn gió lớn khiến lòng người hoảng loạn dẫn đến tai nạn thương tâm ngày ấy tưởng như vĩnh viễn tan vào hư vô. Nhưng, với người trong cuộc, cơn gió ấy vẫn thổi trở lại, đều đặn, buốt giá.

Có lẽ, thảm kịch của quá khứ đã rơi vào quên lãng nếu trong các chuyến ngao du sơn thủy lên Thái Nguyên gần đây, thi thoảng, nhiều người làm sân khấu lại được… mời đến ven Hồ Núi Cốc để thắp hương cho những phận người vắn số của Đoàn Kịch Bắc Thái. Việc này không phải tổ chức hội, đoàn thể hay cơ quan nào đó chủ trì mà chỉ là cá nhân - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bộ tự nguyện thực hiện. Lý do, như cách ông chia sẻ là để những người nằm lại bên hồ đỡ tủi.

Thực tế, nếu không có sự nhẫn nại, bền bỉ của ông, có lẽ đến nay, ít du khách, đặc biệt là văn nghệ sĩ, những người gắn bó với nghệ thuật sân khấu biết đến sự hiện diện của nghĩa trang nhỏ khuất lặng sau những rặng cây, chỉ cách con đường lớn và tấm biển đỏ rực "Hồ Núi Cốc kính chào quý khách" vỏn vẹn vài chục bước chân.

Ông Nguyễn Văn Bộ bên mộ phần của vợ và con gái trong nghĩa trang nhỏ ven Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên

Sau 2 gốc đại đã vài chục năm tuổi, từ tường bao đến các ngôi mộ đều được dọn dẹp gọn gàng, phong quang. Mỗi khi có người ghé thăm, lão nghệ sĩ lại thắp nén hương thơm trên tấm bia đá cuối khuôn viên nghĩa trang, đi đến từng ngôi mộ, cẩn thận như một chủ nhà giới thiệu từng thành viên trong gia đình với khách.

Ông nói, họ là người nhà của mình theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi lẽ, thời điểm tai nạn xảy ra, ông là Trưởng đoàn của Đoàn Kịch Bắc Thái. Dù như thế nào, ông vẫn chịu trách nhiệm về cái chết của các nghệ sĩ trong đoàn. Trong số những người nằm lại nơi này còn có cả vợ và con gái yêu của chính ông.

Ông Bộ vốn là con nhà nòi trong "làng" kịch nghệ nhưng lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của đất nước. Từng trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương trong chiến tranh biên giới phía Bắc, khi giải ngũ trở về, ông nối lại "duyên" với hoạt động nghệ thuật.

Tự nhận mình vừa thấp, vừa đen và mức độ kém sắc cũng nổi tiếng tương xứng với tính cách ngang tàng, phóng túng, đến hôm nay, sau gần 40 năm, ngồi ôn lại chuyện xưa, ông vẫn không lý giải nổi vì sao bà Đỗ Thị Kim Dung - người con gái nức tiếng về nhan sắc, có đến 2 bằng đại học thời ấy lại chịu làm vợ mình. Bà lại rất khéo vun vén kinh tế nên thời ấy, gia đình ông thuộc hàng khá giả của xứ chè. Cặp vợ chồng son có thoảng chút băn khoăn là chuyện muộn đường con cái.

Sau nhiều nỗ lực, đôi lần mừng vui rồi thất vọng, vợ chồng ông cũng được trời thương mà cho một cô con gái xinh xắn. Ông đặt tên con là Bích Phương. Năm con gái lên 3 tuổi, Đoàn Kịch Bắc Thái do ông làm Trưởng đoàn biểu diễn thành công vở "Đôi dòng sữa mẹ". Vở dựng theo kịch bản của nhà biên kịch tài danh Lưu Quang Vũ. Để ăn mừng thành công này, đoàn quyết định tổ chức một chuyến du lịch, coi như phần thưởng cho các cán bộ, công nhân viên.

Thời kỳ bao cấp, đi du lịch là chuyện vô cùng xa xỉ. Vì thế, việc được đi biển, về Đồ Sơn hay Sầm Sơn là mơ ước rất khó thành hiện thực. Với tư cách Trưởng đoàn, ông chọn phương án thay thế là tổ chức cho cán bộ công nhân viên trong đoàn đi du ngoạn Hồ Núi Cốc, vì hồ ở ngay địa phương và còn rất hoang sơ. Ngày ấy, đi vào hồ chỉ có con đường độc đạo là đường đất, vẫn đầy sình lầy ngày mưa. Thời điểm đoàn chọn đến du lịch, thời tiết khá đẹp.

Vì Đoàn Kịch Bắc Thái trực thuộc Nhà hát tổng hợp Bắc Thái nên chuyến đi có thêm một số cán bộ công nhân viên của các bộ phận khác. Từ sáng 4-7-1986, khoảng 40 thành viên của nhà hát đã có mặt ở khu vực ven hồ. Để thuận tiện cho việc du ngoạn, đoàn thuê ca nô đầu kéo chuyên dùng chở hàng của Công ty Thủy sản. Phương tiện vận chuyển hạn chế nên hơn 40 người được chia làm 2 chuyến. Theo kế hoạch ban đầu, Trưởng đoàn Nguyễn Văn Bộ cùng vợ, con gái sẽ đi chuyến đầu tiên.

Ông Bộ còn nhớ rất rõ, khi ông cùng mọi người chuẩn bị lên tàu thì nhận được điện thoại. Một thành viên trong đoàn đề nghị được đi trước để kịp về tắm trước khi trời nắng. Ông Bộ đồng ý và bế theo con gái yêu Bích Phương lên bờ với dự tính: Để mẹ đi trước, 2 cha con đi chuyến sau. Nhưng, có lẽ định mệnh đã an bài. Khi ông bế con lên bờ, con gái nhỏ gào khóc đòi theo mẹ.

Cầm lòng không đặng, 1 thành viên nữ đã lên bờ bế Bích Phương theo. Ca nô rời bờ trong sự háo hức của 29 con người. Ông Bộ không thể ngờ, đây cũng là hình ảnh cuối cùng về họ lúc sinh thời mà ông còn được nhìn thấy.

Theo kế hoạch dự kiến, đoàn xuất phát từ gần 8h thì sẽ trở về lúc hơn 9h. Thế nhưng, đến hơn 4 tiếng đồng hồ sau, Trưởng đoàn Nguyễn Văn Bộ vẫn chưa thấy ai trở lại. Những mâm cơm thịnh soạn trong nhà khách đã sẵn sàng. Nóng ruột, ông trở lại nơi đoàn xuất phát để hỏi tin tức. Nhưng, chưa kịp đến nơi, ông đã choáng váng bởi sự nhốn nháo và thông tin: Một đoàn khách gặp nạn vì ca nô chở bị lật.

Nỗi đau quá lớn. Những ngày sau đó, ông Bộ không biết mình đã đối diện với tai nạn ấy như thế nào. Ông chỉ biết, sau 32 năm, những ngày khủng khiếp ấy vẫn in hằn trong ký ức bằng hình ảnh cả dãy quan tài mới tinh, đỏ rực cả vạt đồi mới bạt cây cỏ. Những mâm cơm đầy ắp thức ăn trong nhà khách nghi ngút khói hương và trống đến lạnh người.

Câu chuyện của người nghệ sĩ già khiến không ít khách ghé thăm bùi ngùi xúc động.

Hàng tháng trời sau đó, khi bóng tối bắt đầu bao phủ ngôi nhà mới xây của 2 vợ chồng giữa thành phố Thái Nguyên, không chịu nổi nỗi đau đớn, ông lại ra ngồi ôm gốc mít trước nhà và "khóc như một con chó con". Suốt khoảng thời gian ấy, cả 2 bà mẹ: mẹ vợ và mẹ đẻ chỉ biết nhìn con mà xót xa. Mãi sau này, ông mới biết, 2 bà mẹ bảo nhau cứ để kệ ông khóc với hy vọng, nỗi đau sẽ dần trôi theo nước mắt.

Khi bớt chút nguôi ngoai cũng là lúc ông nhận ra, nếu mình không mạnh mẽ tự đứng lên, mọi thứ xung quanh, kể cả người thân sẽ suy sụp. Nén nỗi đau, ông lầm lụi gây dựng lại tất cả, từ việc vực lại đoàn kịch đến tổ chức xây dựng nơi an nghỉ khang trang cho những người xấu số. Vị trí được mọi người chọn để an táng là sườn đồi, hướng ra Hồ Núi Cốc.

Ông Bộ bảo rằng, suốt 32 năm qua, ông vẫn đều đặn chăm lo cho các phần mộ, làm lễ giỗ chung cho tất cả mọi người. Tết Nguyên đán, tiết thanh minh và ngày 4-7 hàng năm, hiếm khi nào ông không đến nghĩa trang nhỏ "thăm hỏi" các thành viên an nghỉ tại đây. Bi kịch ngày nào ông sẽ vẫn giấu chặt trong lòng nếu một ngày, ông không chợt nhận ra, đời người vốn hữu hạn và ranh giới của sự hữu hạn ấy, với ông, đã không còn xa ngái. Chuyện cũ được ông chia sẻ với bạn hữu, đồng nghiệp xa gần khi đến Thái Nguyên với mong muốn, họ sẽ ghé thăm những người đồng nghiệp xấu số đang nằm lại ven hồ. Ý tưởng xây dựng một khuôn viên khang trang hơn với những bậc tam cấp sạch sẽ, tường bao xung quanh… nhanh chóng được nhiều nghệ sĩ ủng hộ. 2/3 con đường mòn dẫn vào khu yên nghỉ của các nạn nhân được hoàn thiện.

Nhưng, đến nay, 1/3 quãng đường còn lại, cây, cỏ đã mọc cao, khuất tầm nhìn. Muốn vào khu mộ, người thân và khách bộ hành sẽ phải vòng qua 1 quãng đường mòn khác. Chính điều này đang khiến người nghệ sĩ già băn khoăn. Từng là Trưởng đoàn Kịch Bắc Thái, ông thuộc nằm lòng hoàn cảnh của mỗi nạn nhân sau tai nạn.

Ông biết rất rõ, có những người xấu số, quê ở tỉnh xa, mẹ con côi cút, phần mộ nhiều năm nay không có người thân thăm viếng vì chồng đã đi làm ăn biệt xứ rồi mất ở trong miền Nam. Quê nhà còn mẹ già nhưng sau nhiều năm, có lẽ cụ bà cũng đã về dưới suối vàng. Người biết rõ về họ và câu chuyện năm xưa như ông không nhiều. Nếu một ngày ông không thể chăm lo cho các mộ phần, ông sợ họ sẽ lạnh lẽo, cô đơn.

Đây cũng là lý do khiến ông luôn cố gắng mời bạn bè, nghệ sĩ đến thắp hương cho các nạn nhân vào mỗi dịp họ ghé thăm Thái Nguyên. Ông hy vọng, khi miệng truyền miệng, những nạn nhân xấu số sẽ không bị lãng quên trong tương lai. 1/3 con đường mòn từ lộ chính ven hồ dẫn vào nghĩa trang, ông vẫn đang ấp ủ ý định hoàn thiện nốt. Vì như thế, khách du lịch đến Hồ Núi Cốc dễ dàng nhìn thấy khu mộ hơn. Có thể họ sẽ ghé thăm và thắp cho các nạn nhân 1 nén nhang.

Như thế, người thân và những người bạn của ông nơi đây sẽ đỡ cô quạnh. Tất nhiên, để làm được điều này, ông sẽ cần đến một khoản tiền mà với một nghệ sĩ hết thời vàng son thì sẽ là khá lớn. Nhưng ông vẫn mong muốn và tin rằng, ông sẽ thực hiện được tâm nguyện của mình. Cũng như ông tin, khi những hàng cây, bụi cỏ trước khu mộ được phát quang, những người đang yên nghỉ nơi đây không bị che khuất tầm nhìn, họ có thể ngày ngày thảnh thơi nghe tiếng gió reo, lặng ngắm trời mây non nước soi bóng xuống mặt hồ, mãi mãi, như ước muốn từ 32 năm về trước…

Tác giả: Ngọc Nguyễn

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP