Giáo dục

Chữ viết Tiếng Việt không dấu được công nhận bản quyền

Dù không theo học ngành Ngôn ngữ nhưng với đam mê nghiên cứu ngay từ khi còn ở bậc tiểu học, sau 27 năm, anh Kiều Trường Lâm đã hoàn thành công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0”.

Đây là công trình chữ viết Tiếng Việt không dấu, khác hoàn toàn so với chữ viết hiện tại. Khi nghiên cứu ra ngôn ngữ này, anh Lâm mong muốn có thể ứng dụng song song với chữ Quốc ngữ, “giúp khắc phục những hiểu lầm tệ hại khi giới trẻ nhắn tin không dấu trên Internet”.

27 năm nuôi ý tưởng chữ tiếng Việt không dấu

Anh Kiều Trường Lâm (34 tuổi), hiện đang công tác tại một công ty xuất nhập khẩu gỗ ở Hà Nội. Ngay từ khi còn bé, Lâm đã bộc lộ sự hứng thú với những con chữ. Khi ấy, cậu bé lớp 1 từng khát khao có thể sáng tạo ra một bộ chữ không dấu giống như tiếng Anh, nhưng vẫn có thể đọc và viết trôi chảy.

Đến lớp 2, Lâm bắt đầu mày mò tìm ra những con chữ với âm điệu có thể thay hoàn toàn các dấu thanh. Quá trình tìm kiếm này kéo dài đến năm lớp 10, cậu đã thành công với đề tài “Ký hiệu dấu” dành cho chữ Quốc ngữ.

Anh Kiều Trường Lâm (34 tuổi), hiện đang công tác tại một công ty xuất nhập khẩu gỗ ở Hà Nội

Với đam mê nghiên cứu ngôn ngữ, đến khi đang theo học tại một trường Kinh tế, Lâm quyết tâm thi lại và đỗ vào ngành Ngôn ngữ học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội

“Rất tiếc vì một số lý do nên mình không thể theo học ngành này. Tuy nhiên, quãng thời gian sau đó mình vẫn tiếp tục theo đuổi nghiên cứu”.

Năm 2012, Lâm tình cờ phát hiện ra đề tài “Chữ Việt nhanh” của thầy Trần Tư Bình - Hiệu trưởng Trường Văn hóa Việt Nam Marrickville ở Sydney (Úc). Anh nhận ra rằng, khi kết hợp “Chữ Việt nhanh” và “Ký hiệu dấu” sẽ cho ra “một chữ viết không dấu lưu loát lại đẹp vô cùng”. Vì thế, anh Kiều Trường Lâm đã phối hợp với tác giả Trần Tư Bình và cho ra đời chữ viết mới với tên gọi “Chữ Việt Nam song song 4.0”.

“Chữ Việt Nam song song 4.0” vốn chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh, trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ.

Sự biến đổi linh hoạt giữa các vần và sự luân chuyển giữa các ký hiệu dấu đã tạo ra chữ viết có độ chính xác cao, không có trường hợp ngoại lệ, giúp người dùng đọc và viết một cách dễ dàng.

Cụ thể, một số phụ âm và nguyên âm cùng một số vần ghép đã được quy ước lại để tạo ra một chữ viết nhanh như phụ âm đầu: “f thay cho ph”, “w thay ng-ngh”, ...; một số phụ âm cuối: “g thay ng”, “h thay nh”, “k thay ch”..., hay “uyêt thay bằng ydb”, “uyên thay bằng yly”, "ương thay bằng uzo", "ướng thay bằng uzx", "ường thay bằng uzk", "ưởng thay bằng uzv", "ượng thay bằng uzh"…

Một ví dụ của “Chữ Việt Nam song song 4.0”

Về ký hiệu dấu, có 18 ký hiệu dấu dùng để thay thế các dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ; trong đó “j thay dấu sắc”, “l thay dấu huyền”, “z thay dấu hỏi”, “s thay dấu ngã”, “r thay dấu nặng”.

Tham khảo quy tắc viết Chữ Việt Nam song song 4.0 TẠI ĐÂY.

Anh Lâm cho rằng, sự kết hợp này sẽ tạo ra loại chữ viết mang tính thẩm mĩ, viết nhanh hơn vì hầu hết các chữ đều ở dạng 3-4 chữ cái, rất đều nhau và bắt mắt.

Sau những nỗ lực nghiên cứu trong suốt 27 năm, đến ngày 25/3, “Chữ Việt Nam song song 4.0” của hai tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm sáng tạo đã chính thức được Cục Bản quyền tác giả của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền.

“Chúng tôi không có ý định cải tiến chữ Quốc ngữ”

Ngay khi công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” được công bố rộng rãi, nhóm tác giả đã nhận lại nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều người cho rằng chữ Quốc ngữ đã gắn liền với văn hoá Việt từ lâu, không cần phải cải tiến vì vẫn dùng rất ổn; thậm chí họ tức giận "vì tiếng Việt đang bị làm phá hỏng". Nhưng anh Lâm cho biết, thực tế nhóm không có ý định cải tiến chữ Quốc ngữ.

“Ngay từ tên gọi “Chữ Việt Nam song song 4.0”, chúng tôi mong muốn đây sẽ là thứ ngôn ngữ độc lập, có thể dùng song song với chữ Quốc ngữ và ứng dụng để gõ trên Internet”.

Nhóm tác giả lý giải, hiện nay giới trẻ thường nhắn tin không dấu, đôi khi gây ra những hiểu lầm tệ hại. “Chữ Việt Nam song song 4.0” sẽ khắc phục những nhược điểm gây hiểu lầm này và tạo ra sự thống nhất cho chữ không dấu.

Ngoài ra khi áp dụng, đây sẽ là công cụ gõ nhanh, giúp tiết kiệm 25- 30% thời gian gõ chữ so với kiểu gõ telex hay bất kì kiểu gõ nào khác.

“Chữ Việt không dấu có công thức ghép hoàn hảo như công thức toán học, cho phép não của chúng ta chuyển đổi một lần duy nhất, giúp nhận biết được mặt chữ một cách trọn vẹn.

Tôi cho rằng việc thống nhất được chữ không dấu là một bước tiến mới cho ngành ngôn ngữ học. Nếu “Chữ Việt Nam song song 4.0”được ứng dụng rộng rãi sẽ là một bước ngoặt đưa tiếng Việt ra khắp thế giới. Nhiều người nước ngoài sẽ thích học tiếng Việt hơn vì giờ đây, chữ viết không còn dấu giống như tiếng Anh”, anh Lâm lý giải.

Tác giả của “Chữ Việt Nam song song 4.0” cho biết, trước đó nhiều độc giả cũng từng chỉ trích nghiên cứu của anh. Tuy nhiên, sau khi học thử chữ mới, nhiều người cảm thấy thích thú và cảm nhận được tính ưu việt mà “Chữ Việt Nam song song 4.0” đem lại.

“Đối tượng dùng thử chữ viết này bao gồm cả người lớn tuổi và thế hệ trẻ. Sau khi học thuộc công thức, họ có thể dùng rất thành thạo chỉ sau vài giờ”.

“Một cái mới ra đời bao giờ cũng có những ý kiến phản biện trái chiều. Tôi trân trọng tất cả những điều đó và kỳ vọng, thời gian sẽ chứng minh sản phẩm của tôi là hấp dẫn nếu độc giả sẵn sàng học thử và áp dụng”, anh Lâm nói.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang lấy thêm ý kiến từ các độc giả để hoàn thiện “Chữ Việt Nam song song 4.0”. Nhóm kỳ vọng chữ viết này có thể được đưa vào giảng dạy cho học sinh trong thời gian tới.

Tác giả: Thúy Nga

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP