Trong nước

Chủ tịch tỉnh từ chối tiếp công dân là phó giám đốc sở, đúng hay sai?

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có thông báo từ chối tiếp công dân là phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, các luật sư cũng có ý kiến trái chiều, người nói đúng, người bảo sai.

Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi, nơi ông Hiếu làm phó giám đốc sở - Ảnh: TRẦN MAI

Các luật sư và giảng viên luật có những ý kiến trái chiều liên quan đến việc ông Đặng Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - từ chối tiếp công dân là ông Phan Văn Hiếu - phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ).

Không có cơ sở từ chối tiếp công dân?

Tiến sĩ Cao Vũ Minh - giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng: "Không có cơ sở để từ chối tiếp công dân trong trường hợp này".

Tiến sĩ Minh dẫn điều 9 Luật Tiếp công dân 2013, quy định những trường hợp bị từ chối tiếp, gồm: Người say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần, hoặc bệnh lý mất khả năng nhận thức, điều chỉnh hành vi; người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị người tiếp công dân, vi phạm nội quy nơi tiếp công dân; người khiếu nại tố cáo đã được giải quyết, thông báo bằng văn bản và được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài...

"Ông Hiếu đăng ký gặp chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi với tư cách công dân. Dù ông này có là công chức cũng không vô hiệu hóa được tư cách công dân. Trong trường hợp này phải tiếp, lắng nghe.

Nếu thấy vấn đề liên quan đến công việc của Sở Khoa học và Công nghệ nơi ông Hiếu là phó giám đốc thì hướng dẫn ông báo cáo theo con đường hành chính. Có thể ông Hiếu đã báo cáo, phản ánh với tư cách là phó giám đốc nhưng chưa được lắng nghe, nên rẽ sang con đường công dân", tiến sĩ Minh nói.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư Đà Nẵng) ngoài việc dẫn Luật Tiếp công dân, còn dẫn nghị định 64/2014 hướng dẫn tiếp công dân và thông tư 04/2021 của Thanh tra Chính phủ, thì phó giám đốc sở đăng ký gặp chủ tịch UBND tỉnh trong đợt tiếp công dân định kỳ không thuộc trường hợp từ chối tiếp.

Luật sư Hậu cho rằng tiếp để lắng nghe, nhưng chỉ dừng lại ở công dân trao đổi thông tin.

"Nếu khi tiếp, ông Hiếu nói về công việc của Sở Khoa học và Công nghệ thì chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ông Hiếu báo cáo sự việc với tư cách là phó giám đốc sở và đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ giải trình. Nhưng trước tiên phải tiếp công dân", luật sư Hậu nói.

Phải theo Luật Cán bộ công chức?

Còn luật sư Phạm Thảo (Đoàn luật sư Đà Nẵng) nói đây là trường hợp khá hy hữu, khi công dân là phó giám đốc sở và nội dung cần tiếp công dân lại thuộc công việc, nhiệm vụ nơi mình công tác và có vai trò lãnh đạo, quản lý.

"Ở đây, nội dung tiếp công dân có vai trò thực thi của ông Hiếu, nên ông Hiếu phải phản ánh theo Luật Cán bộ công chức và nghị định 24/2014 về trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với cơ quan, đơn vị mình làm việc", luật sư Thảo nói.

Cũng theo luật sư Thảo, nếu muốn thông tin, báo cáo đề xuất đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, ông Hiếu phải theo Luật Cán bộ công chức và nghị định 24/2014.

Việc tách riêng vấn đề nơi mình công tác thành nội dung tiếp công dân sẽ không phù hợp bằng việc thực thi các công việc đó trong phạm vi trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của một cán bộ, công chức đang tại nhiệm.

Còn luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn luật sư TP.HCM) lại khẳng định: "Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từ chối tiếp công dân là phó giám đốc sở, là đúng quy định của pháp luật".

Theo luật sư Điền, tuy phó giám đốc sở cũng là công dân, nhưng định nghĩa về "tiếp công dân" theo khoản 1 điều 2 và giải thích tại khoản 2 điều 2 Luật Tiếp công dân 2013, thì các nội dung tiếp công dân là "trong các lĩnh vực đời sống xã hội".

Còn nội dung tiếp công dân này là mối quan hệ công vụ giữa UBND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ phải được điều chỉnh bởi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Cán bộ công chức.

"Nếu vị phó giám đốc sở đăng ký tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị những vấn đề cá nhân thuộc phạm vi "đời sống xã hội", trong mối quan hệ giữa công dân với cơ quan nhà nước thì thuộc trường hợp tiếp công dân.

Nếu để phản ánh, khiếu nại, kiến nghị các vấn đề liên quan đến công việc chung của sở nơi mình công tác, thì không thuộc trường hợp tiếp công dân", luật sư Điền nhận định.

Ông Phan Văn Hiếu - phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Ảnh: TRẦN MAI

Cũng theo luật sư Điền, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã căn cứ vào khoản 1, 2 điều 2 và khoản 4 điều 9 Luật Tiếp công dân 2013; Luật Cán bộ công chức và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để từ chối tiếp công dân đối với trường hợp của phó giám đốc sở là phù hợp.

Bởi Sở Khoa học và Công nghệ là sở chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Ông Hiếu là công chức giữ chức vụ quản lý, phải có trách nhiệm cùng tập thể lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ giải quyết các vấn đề tồn tại, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng chức năng, quy định của pháp luật; có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, thực hiện các công việc được UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh giao.

"Khi những vấn đề nội bộ không giải quyết được, thì thực hiện báo cáo, kiến nghị, khiếu nại theo quan hệ cấp trên - cấp dưới; sở trực thuộc - cơ quan lãnh đạo là UBND tỉnh. Nội dung này cũng phù hợp với quy định tại điều 20, điều 21, điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và điều 9, điều 10, điều 33 Luật Cán bộ công chức.

Như vậy, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thông báo từ chối tiếp công dân là phó giám đốc sở với các nội dung thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ là đúng quy định của pháp luật", luật sư Điền nói.

Tác giả: Trần Mai

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP