"Các cụ đã thấy cái sai rồi, cần gì chờ tôi về thì mới bàn giao. Các cụ mỗi người cố gắng một tý để thuyết phục đến tối thả hết người là tốt nhất. Nếu để kéo dài từ không có tội sẽ thành có", ông Chung nói.
Theo ông Hiểu, qua cuộc điện thoại này, ông Chung cam kết công an sẽ chưa tổ chức điều tra sự việc cho đến khi cụ Lê Đình Kình trở về và giải thích.
Ông Hiểu cho hay, ngoài nội dung trao đổi trên, Chủ tịch Chung hẹn có thể sáng mai về xã làm việc, ký vào bản cam kết do người dân soạn thảo. "Ông chủ tịch đã hứa như vậy thì mình phải tin tưởng", ông Hiểu nói.
Là người được Hà Nội giao giải quyết vụ việc, Chủ tịch Chung nói trong trách nhiệm công việc sẽ báo cáo đầy đủ với lãnh đạo để xem xét nhẹ nhất cho bà con. Hà Nội cũng sẽ chi một tỷ đồng để làm đường trong thôn, bà con trực tiếp giám sát thi công...
Thông tin ông Nguyễn Đức Chung sẽ về đối thoại khiến người dân hy vọng sớm chấm dứt sự việc kéo dài suốt tuần qua. Người dân chia nhau, tổ các cụ cao niên chắp bút "tâm thư" để kịp đưa đi photo và vận động người dân ký, những tốp thanh niên, phụ nữ trong thôn đi dọn chướng ngại vật, chuẩn bị căng băng rôn chào mừng Chủ tịch Chung về.
Lối chính vào làng quang đãng, không còn đất đá chắn đường. Ở đầu ngõ, người dân túm tụm bàn tán. "Chúng tôi chỉ mong việc này giải quyết nhanh để bà con ổn định cuộc sống. Mấy ngày vừa qua mọi người rất mệt mỏi và không còn tâm trí để làm ăn", một phụ nữ nói.
Chiều cùng ngày, nhiều người dân xã Đồng Tâm cùng ký vào đơn kiến nghị gửi thành phố Hà Nội. Họ tự kiểm điểm, thừa nhận rất nhiều sai sót, không hiểu biết nên vi phạm pháp luật trong quá trình chống tham nhũng, tiêu cực. "Nhân dân mong muốn ông chủ tịch dang tay cứu vớt, tha thứ, đừng truy cứu trách nhiệm hình sự", người dân viết.
Người dân Đồng Tâm mong được ghi nhận đã đối xử tốt với 38 cán bộ, cảnh sát cơ động trong thời gian giữ họ tại nhà văn hóa thôn; không có chuyện đổ xăng lên người dọa đốt như thông tin thất thiệt lan truyền.
Với diện tích đất đang tranh chấp tại đồng Sênh, dân làng đề nghị Viettel không xây dựng công trình tại đây cho đến khi có kết luận giải quyết cuối cùng.
Trong diễn biến khác, sáng 21/4, người dân đã thả Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh để về nhà chữa bệnh.
Ông Cảnh thông báo mình được đối xử tốt, do sức khỏe yếu nên xin về điều trị. Ông mong người dân không nghe theo lời kích động. Nguyện vọng của bà con, chính quyền sẽ giải quyết theo đúng quy định.
Hiện nhà văn hóa thôn Hoành còn 19 cán bộ vẫn bị tạm giữ.
Hôm 15/4, 4 người trong xã Đồng Tâm bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng trước đó một tháng. Lực lượng thi hành lệnh bắt gặp phải phản ứng dẫn đến 38 công an, cán bộ bị giữ.
Tối 17/4, 15 người được thả, 3 người khác tự giải thoát. Công an Hà Nội cũng thả một số người tại xã Đồng Tâm bị bắt ngày 15/4 với lý do "thừa nhận sai phạm và xin được về địa phương để khắc phục hậu quả".
Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên
Nguồn tin: