Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giả mạo trong công tác; làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức; thao túng giá chứng khoán xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh.
CQĐT đề nghị truy tố Trần Hữu Tiệp (nguyên Chủ tịch công ty MTM), Nguyễn Văn Dĩnh (nguyên GĐ công ty CP khoáng sản Nari Hamico) và các đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Liên quan đến vụ án, một số bị can nguyên là cán bộ NH TPBank bị đề nghị truy tố tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; một số bị can là nguyên cán bộ NH BIDV bị đề nghị truy tố tội Giả mạo trong công tác.
Riêng bị can Bùi Thiện Lý (SN 1988) và Đỗ Hữu Tài (SN 1992) bị đề nghị truy tố về tội “Thao túng giá chứng khoán”. CQĐT cũng kiến nghị xử lý hàng chục cá nhân khác có hành vi sai phạm nhưng không đến mức xử lý hình sự.
Trước đó, CQĐT đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án này, nhưng VKSND Tối cao đã có quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Kết quả điều tra cho rằng, hành vi phạm tội của Tiệp cùng đồng bọn có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, có sự câu kết chặt chẽ, đặc biệt là có sự tiếp tay của một số cán bộ NH.
Hành vi phạm tội của các bị can đã xâm phạm trực tiếp đến hoạt động bình thường của thị trường chứng khoán, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Chiêu trò
Kết quả điều tra cho thấy, năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh mua lại hồ sơ pháp lý của công ty MTM. công ty này không hoạt động, không có vốn, nhưng các đối tượng làm giả hồ sơ thể hiện: Năm 2014, MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỷ đồng); giả chứng từ tăng vốn thực góp lên 310 tỷ đồng… nhằm đưa MTM đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Để làm giả được hồ sơ nói trên, các bị can đã móc nối với cán bộ NH. Cụ thể, từ năm 2013 đến 2015, các cán bộ BIDV đã làm giả 143 chứng từ ủy nhiệm chi/nộp – rút tiền với tổng số 355 tỷ đồng cho MTM và nhóm liên quan. Tương tự, chi nhánh TPBank Tây Hà Nội cũng giúp nhóm MTM lập tài khoản, làm giả 7 chứng từ với tổng số 130 tỷ đồng.
Dựa vào hồ sơ khống nêu trên, theo chỉ đạo của Dĩnh, các bị can khác đã móc nối với một số cán bộ ngân hàng TP Bank Tây Hà Nội và BIDV Nam Hà Nội để hợp thức chứng từ nộp, rút 485 tỷ đồng, để thể hiện việc góp vốn của các cổ đông và doanh số kinh doanh của Công ty MTM.
Trong khi Dĩnh đang chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM, đến ngày 29/5/2015, Dĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam vì làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; trốn thuế và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Vì thế, ngay sau ngày Dĩnh bị bắt, Công ty MTM đã rút hồ sơ đăng ký niêm yết.
Đến tháng 6/2015, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công (đã đình chỉ điều tra Công do bỏ trốn) thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ bị can Dĩnh) để tiếp nhận hồ sơ pháp lý của MTM, tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch.
Hoa biết rõ MTM không có vốn, cũng không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đồng ý bàn giao hồ sơ, với thỏa thuận- nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong số 31 triệu cổ phiếu (tương đương 155 tỷ đồng vốn thực góp).
Các bị can làm đủ trò gian dối để được chấp thuận cho giao dịch cổ phiếu MTM. Ngày 15/4/2016, là phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu MTM trên sàn Upcom, với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.
Để thu hút đươc sự quan tâm của các nhà đầu tư, các bị can đã sử dụng hàng chục tài khoản chứng khoán tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu MTM. Trong các vòng mua bán chứng khoán nhằm tạo cung cầu giả, khi không đủ tiền để thực hiện đặt lệnh mua cổ phiếu, bị can trong vụ án này dùng dịch vụ "bảo lãnh sức mua" của Công ty MSI để ứng tiền giao dịch.
Đến ngày 17/6/2016, khi MTM bị phát hiện đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế, giao dịch đối với cổ phiếu MTM trên sàn chứng khoán bị tạm dừng. Lúc này, UBCKNN có kiến nghị CQĐT xác minh, làm rõ.
Tại thời điểm tạm dừng giao dịch, có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu MTM, hơn 800 nhà đầu tư có đơn đề nghị làm rõ thiệt hại.
CQĐT xác định, số tiền các bị can đã rút ra, chiếm đoạt của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là hơn 53 tỷ đồng. Số tiền các nhà đầu tư bị thiệt hại là hơn 56 tỷ đồng.
Tác giả: T.Nhung
Nguồn tin: Báo VietNamNet