Mặc dù là thành phần tương đối đơn giản chỉ bao gồm một vài bộ phận tuy nhiên, máy phát điện lại đóng vai trò quan trọng trong bất kì hoạt động nào của xe. Về cơ bản, máy phát điện biến cơ năng của các trục khuỷu quay thành điện năng thông qua cảm ứng từ. Các dây trong máy phát cắt qua một từ trường và điều này tạo nên dòng điện. Dòng điện này được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các phụ tùng của xe, từ đèn pha đến trục nâng điện-thủy lực. Máy phát cũng giữ cho pin được sạc đầy đủ, cung cấp năng lượng cần thiết để khởi động.
Thực tế đã không ít trường hợp đang chạy xe ô tô trên cao tốc nhưng bị chết máy đột ngột khiến nhiều người khóc dở mếu dở vì không biết làm thế nào.
Máy phát điện hư hỏng là một trong những nguyên nhân khiến xe ô tô chết máy giữa đường cần biết để tránh. |
Anh Nguyên (Hà Nội ) cho biết, trong một lần có việc về Hải Phòng, lúc đó vào khoảng 3h sáng, đang đi trên đường bỗng dưng xe ô tô chết máy. Do đêm khuya lại đang trên đường cao tốc nên anh không biết làm thế nào đành gọi thợ sửa chữa tận Hà Nội lên để kích điện vào máy phát điện mới có thể chạy tiếp được. Anh Nguyên cho biết thêm, rất may thợ sửa xe là người nhà chứ không đêm khuya chắc chắn chẳng ai đến giúp.
Tương tự, anh Tiến ở Nghệ An ra Hà Nội lái xe taxi chia sẻ, trong hơn 8 năm lái xe taxi anh cũng không ít lần khóc dở mếu dở với tình trạng xe ô tô bị chết máy giữa đường. Mỗi lần bị như vậy khá tốn kém lại mất công chờ đợi thợ tới sửa.
Không chỉ có hai trường hợp trên, thực tế còn rất nhiều trường hợp khác cũng gặp phải trường hợp tương tự. Vậy trong quá trình lái xe làm thế nào để nhận biết được máy phát điện bị hư hỏng để kịp thời xử lý? Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết đơn giản nhất tài xế nên biết:
Đèn cảnh báo bật sáng
Đèn cảnh báo máy phát điện đa số đều có hình dáng giống pin xe với kí hiệu là “ALT” hoặc “GEN”, tương ứng với chữ viết tắt của alternator hoặc generator. Nếu máy phát không làm việc đúng tiềm năng hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, điện áp sẽ cao hoặc thấp hơn mức đã thiết lập khiến đèn cảnh báo bật sáng.
Theo đó, đèn được liên kết với hệ thống máy tính trong xe để theo dõi điện áp đầu ra của máy phát. Nếu điện áp đầu ra thấp hoặc cao hơn một giới hạn định trước, đèn cảnh báo trên bảng điều khiển sẽ sáng lên. Trong gian đoạn đầu của vấn đề với máy phát, ánh sáng sẽ nhấp nháy trong vài giây rồi tắt. Nhiều người theo bản năng nghĩ đến vấn đề về pin khi nhìn thấy đèn này sáng nhưng lại không nghĩ tới dấu hiệu cảnh báo máy phát điện đang có vấn đề để kịp thời sửa chữa.
Đèn pha mờ đi hoặc đột nhiên sáng rực
Tài xế xe ô tô có thể nhận ra những triệu chứng bất thường khác nhau khi máy phát điện không đáp ứng đủ nhu cầu điện năng của xe. Trường hợp đèn pha mờ đi hay đột nhiên sáng rực lên hoặc công tơ mét đột ngột ngừng không lí do, các phụ tùng khác như ghế nóng hoặc cửa sổ điện hoạt động chậm chạp hơn chính là dấu hiệu máy phát điện đang trục trặc cần kiểm tra.
Dấu hiệu dây đai bị vỡ
Khi quan sát thấy dây đai bị vỡ nứt quá mức và theo dõi vấn đề liên quan tới tuổi thọ sẽ tạo nên dấu hiệu hỏng hóc trong tương lai. Ngoài ra dây đai truyền động cần có độ căng thích hợp để chạy máy phát điện một cách chính xác, cần kiểm tra nhanh lực căng đai truyền để xác định vấn đề tồn tại.
Dấu hiệu phát ra từ những tiếng động lạ trên xe ô tô
Máy phát được điều khiển bởi dây đai xoắn kết hợp puli trục khuỷu (ròng rọc truyền động). Puli máy phát thường quay nhanh hơn hai đến ba lần puli trục khuỷu để sản xuất năng lượng cần thiết tại tốc độ động cơ thấp hơn, ví dụ như lúc xe đứng yên. Puli máy phát thường quay trên một trục lần lượt được hỗ trợ bởi bạc lót ổ trục. Nếu ròng rọc không liên kết trực tiếp với dây đai hoặc nghiêng trên trục, bạc lót bị mòn lúc này tiếng ồn sẽ xuất hiện, tinh ý sẽ nghĩ ngay tới máy phát điện cần phải kiểm tra.
Ngoài những dấu hiệu cảnh báo máy phát điện hư hỏng trên còn rất nhiều dấu hiệu khác như hỏng pin, mất kết nối, trên xe tỏa mùi khó chịu...
Tác giả: An Dương (T/h)
Nguồn tin: vietq.vn