Bộ Sách giáo khoa chuẩn lớp 1 do Nhà xuất bản Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành có tới 14 cuốn sách:
Tiếng Việt (Tập 1/2); Toán; Tự nhiên và Xã hội; Tập viết (tập 1/2); Tập bài hát; Vở bài tập Đạo đức; Vở bài tập Toán 1/2; Vở tập vẽ; Vở bài tập Tiếng Việt (tập 1/2); Bài tập Thực hành thủ công.
Bộ sách gọi là “chuẩn” này không có sách Đạo đức nhưng lại có “Vở bài tập Đạo đức”?
Một bài báo mô tả trẻ con ngày nay không mang cặp mà là ba lô, chiếc ba lô nặng tới 4,5 kg khiến cháu bị vẹo cột sống phải vào bệnh viện chữa trị.
Thời xưa, thế hệ chúng tôi đi học cấp 1 (Tiểu học) với cái túi dết hai ngăn mỏng dính, cả sách vở lẫn mấy củ khoai, sắn nặng chưa đến 1 kg.
Tiếng Việt (Tập 1/2); Toán; Tự nhiên và Xã hội; Tập viết (tập 1/2); Tập bài hát; Vở bài tập Đạo đức; Vở bài tập Toán 1/2; Vở tập vẽ; Vở bài tập Tiếng Việt (tập 1/2); Bài tập Thực hành thủ công.
Bộ sách gọi là “chuẩn” này không có sách Đạo đức nhưng lại có “Vở bài tập Đạo đức”?
Một bài báo mô tả trẻ con ngày nay không mang cặp mà là ba lô, chiếc ba lô nặng tới 4,5 kg khiến cháu bị vẹo cột sống phải vào bệnh viện chữa trị.
Thời xưa, thế hệ chúng tôi đi học cấp 1 (Tiểu học) với cái túi dết hai ngăn mỏng dính, cả sách vở lẫn mấy củ khoai, sắn nặng chưa đến 1 kg.
Ảnh minh họa trên báo giaoduc.net.vn
Gánh nặng đè lên đôi vai trẻ con ngày nay không chỉ là số sách vở, đồ dùng học tập quá nhiều mà còn là hàng lô bài tập về nhà, trẻ con buộc phải học cả sáng, chiều, tối.
Nói một cách thẳng thắn, cách giáo dục nhồi nhét, kèm theo lợi ích nhóm (kinh doanh sách và đồ dùng học tập) không chỉ lấy mất tuổi thơ của các cháu mà đang làm dân tộc còi cọc, chậm lớn.
Những năm chiến tranh, Sách giáo khoa dùng nhiều năm không thay đổi, nay năm nào cũng phải mua.
Tôi có đứa cháu nội vào lớp 1 tại một trường Tiểu học quận Long Biên, Hà Nội, đầu năm học bố mẹ cháu phải chi 650.000 mua Sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Sau vài buổi học, cháu về nhà nói “cô giáo bảo vẫn còn thiếu hai cuốn sách” nữa mặc dù bố mẹ cháu đã mua trọn gói tại trường?
Mục đích của giáo dục trẻ con bậc Tiểu học là gì?
Điều này không cần đến những “Triết lý giáo dục” cao siêu, chỉ cần làm đúng theo lời dạy của Cụ Hồ: “Trẻ em như búp trên cành; Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.
Điều đầu tiên Cụ Hồ đặt ra là trẻ con phải được “ăn, ngủ” sau đó mới là học hành.
Suy rộng ra, ở bậc Tiểu học, giáo dục kiến thức không nên xem là duy nhất mà phải chú ý đến giáo dục thể chất và giáo dục nhân cách.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh Tiểu học không phải chuẩn bị bài ở nhà, thực tế cho thấy một số trường vẫn ra bài tập về nhà, vẫn yêu cầu học sinh chuẩn bị bài với lý do “tạo thói quen học tập, giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn”?
Có thể động cơ của các thầy cô giáo là tốt, nhưng tiếc rằng cách làm lại phản khoa học, đã có ý kiến cho rằng việc ra bài tập về nhà cho học sinh Tiểu học là “sự tàn phá tương lai con trẻ”.
Các nghiên cứu khoa học tâm sinh lý tuổi học trò cho thấy “khi những cảm giác lo lắng, căng thẳng trong học tập bị tích tụ, không được giải phóng, có thể khiến con trẻ rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần”.
Để ngăn chặn việc giáo viên cho bài tập về nhà quá nhiều, một số phụ huynh Mỹ đã hợp sức viết cuốn sách “The Case Against Homework: How Homework Is Hurting Our Children and What We Can Do About It”, tạm dịch là “Sự phản tác dụng của bài tập về nhà: bài tập về nhà làm tổn thương con cái chúng ta thế nào và chúng ta phải làm gì trước hiện trạng này”.
Sự “suy sụp tinh thần”, chiếc ba lô quá nặng kèm theo thực phẩm không an toàn dẫn tới tình trạng còi cọc, chậm lớn của nhiều thế hệ người Việt.
Điều này lý giải vì sao Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong số 10 nước “lùn” nhất thế giới (Indonesia - 1.58m; Bolivia - 1.6m; Philippines - 1.619m; Vietnam - 1.621m; Cambodia - 1.625m; Nepal - 1.63m; Ecuador - 1.635m; Sri Lanka - 1.636m; Nigeria - 1.638m; Peru - 1.64m).
Ngày 9/10/2015, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ thực tế:
“Chúng ta đều biết trẻ em lứa tuổi học đường ở Việt Nam, nhất là trẻ ở độ tuổi từ 2 tới 12 tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi còn khá lớn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi”.
Dưới góc độ Y tế, Bộ trưởng Tiến cho rằng trẻ em “thấp, còi” là do suy dinh dưỡng, có lẽ liên ngành Y tế - Giáo dục cũng nên tìm hiểu thêm, rằng chiếc ba lô nặng trĩu trên vai suốt mấy năm Tiểu học có phải là một trong các nguyên nhân làm chùn cột sống, làm người Việt “thấp, còi” dù bữa ăn đã được cải thiện rất nhiều?
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên đổi mới sao cho trẻ con học lớp 1 không phải mang chiếc ba lô với 14 cuốn sách kèm theo đồ dùng học tập trên vai mỗi ngày đến trường?
Người viết xin kiến nghị, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất cấm ra bài tập về nhà thì Bộ cũng nên ban hành luôn quy định cho phép các cháu để ba lô sách vở tại trường.
Các cháu đi người không và về người không, không còn cảnh chiếc ba lô nặng trĩu làm vẹo cột sống nữa.
Thực hiện việc này không khó nếu mỗi lớp có một chiếc tủ hoặc giá đỡ với số ngăn bằng số học sinh trong lớp.
Theo dõi lịch trình học tập một ngày của cháu, 5g45 dậy rửa mặt, đánh răng ăn sáng; 6g30 bố mẹ đưa đến trường; 17g30 mới về đến nhà.
Trong 12 giờ còn lại, ngủ đêm khoảng 7 giờ, thời gian còn lại dành cho thể dục chiều, ăn uống, vệ sinh cá nhân. Nếu phải làm bài tập hoặc chuẩn bị bài trước thì kín hết 24 giờ trong ngày.
Một bài viết trên Vietnamnet.vn có cái tít rất hay: “Chỉ làm-ăn-ngủ, khác gì con bò đi cày rồi về chuồng”. Bài báo nói về người lớn, người Việt của thế kỷ 21, thế còn trẻ con nếu chỉ “ăn – học – ngủ” thì giống con gì?
Quan niệm trẻ con thì chỉ cần “ăn – học – ngủ” vốn đã được hình thành từ thời chiến tranh, thời bao cấp khi mà đời sống văn hóa chỉ là đội chiếu bóng lưu động, khi mà mỗi ngôi trường ngoài sân trường và những phòng học không còn gì khác. Dù có thời gian rảnh rỗi trẻ con thành phố cũng không biết chơi trò gì, chơi ở đâu trừ các cháu nông thôn có thể thả diều, chơi khăng, đánh đáo?
Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quyết liệt hơn nữa chuyện cấm ra bài về nhà với học sinh Tiểu học, cần có biện pháp kỷ luật thích đáng với tập thể, cá nhân không tuân thủ quy định.
Đã đến lúc cần dẹp bỏ chuyện kinh doanh kiếm lãi trong xuất bản Sách giáo khoa bằng cách in tới 14 cuốn sách bắt trẻ con lớp 1 phải mua trước khi đến lớp.
Vì tương lai con em chúng ta, người viết tán thành chủ trương không dạy thêm và không ra bài tập về nhà.
Có thể có một số người không tán thành quan điểm này, họ vẫn có quyền mời gia sư cho con cháu, vẫn có quyền bắt con cháu học thêm buổi tối hoặc ngày nghỉ nhưng đó không phải là chủ trương của Nhà nước.
Các bậc làm cha làm mẹ, xin đừng đánh mất tuổi thơ của con em mình.
Tác giả bài viết: Xuân Dương