Giáo dục

Chế độ tết cho giáo viên - phụ thuộc nhiều vào địa phương

Chia sẻ về mong muốn có chế độ cố định cho thầy cô mỗi dịp Tết, ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam cho rằng, điều này phụ thuộc rất nhiều vào địa phương.

Ảnh minh họa/internet

Một câu chuyện không mới nhưng lại dấy lên mỗi dịp Tết đến Xuân về, đó là chuyện thưởng Tết cho giáo viên với không ít vui-buồn.

Hầu hết giáo viên có mức thưởng Tết rất eo hẹp, trừ một số ít trường ở vùng có điều kiện thuận lợi.

“Chúng tôi rất áy náy khi nhận được thông tin, có những nhà trường, giáo viên được thưởng Tết chỉ từ 50 đến100 ngàn đồng/người. Điều này cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn thu của nhà trường cũng như chính quyền địa phương” – ông Vũ Minh Đức chia sẻ.

Hiện nay, ngân sách rót cho giáo dục có khoản chi hành chính. Các nhà trường sử dụng khoản này để chi cho các hoạt động, từ chăm lo lễ Tết, cho đến những ngày lễ như 20/11, 20/10… cho các thầy cô giáo. Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Đức, những khoản này rất hạn hẹp. Đơn cử, đối với các trường THPT, thông thường được khoảng 100 triệu/năm cho tất cả các khoản chi hành chính trong nhà trường. Về vấn đề này, ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương cần tính đến trong đó có khoản để chi thưởng Tết cho giáo viên để động viên thầy cô.

“Giáo viên đặt trong bối cảnh chung các ngành nghề khác, nhưng hoạt động giáo dục có đặc thù riêng. Đặc biệt, thầy cô công tác vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, điều kiện để có thu nhập thêm hạn chế, trong khi mức lương so với nhu cầu thực tễ còn khoảng cách xa. Đặt vấn đề thưởng ở đây không có nghĩa là vật chất to lớn, nhưng là động viên để các thầy cô giáo có thể yên tâm công tác. Với các đơn vị sự nghiệp hành chính khác, bằng cách này hay cách khác, họ vẫn có sự động viên nhất định với người lao động” – ông Vũ Minh Đức cho hay.

Trả lời câu hỏi, liệu có thể có chính sách để giáo viên được hưởng tháng lương thứ 13, ông Vũ Minh Đức cho rằng không có tính khả thi vì tháng lương thứ 13 dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động; nội dung này không có quy định trong Luật Lao động.

Còn với câu hỏi “có nên thành lập quỹ Tết cho giáo viên?”, ông Vũ Minh Đức cho rằng, việc này rất khó. Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam không được phép thành lập những quỹ như vậy. Thêm đó, trong ngành có khoảng 1,6 triệu cán bộ, nhà giáo, người lao động – số lượng quá lớn.

Tuy nhiên, hiện Công đoàn ngành cũng có quỹ “Mái ấm công đoàn” để hỗ trợ các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, hoặc các thầy cô đang công tác vùng sâu vùng xa. Mỗi dịp Tết, Công đoàn Giáo dục huy động thêm các doanh nghiệp, trường ĐH, các địa phương có điều kiện tốt hơn để chung tay chăm lo cho thầy cô.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - Vũ Minh Đức đến thăm và động viên gia đình cô Xa Thị Chiên – GV trường Tiểu học Tân Pheo A thuộc xã Tân Pheo cua huyện Đà Bắc

Ông Vũ Minh Đức cho rằng, mong muốn có chế độ cố định cho thầy cô dịp Tết, nhưng điều này phụ thuộc rất nhiều vào địa phương, vì theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, đội ngũ giáo viên do địa phương quản lý. “Trong điều kiện kinh tế địa phương, nếu có thể được thì cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm dành một khoản vào dịp tết động viên các thầy cô thì rất tốt” – ông Vũ Minh Đức chia sẻ.

Tuy nhiên, quan điểm của Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, giải pháp căn bản và lâu dài là làm sao để giáo viên có thể sống được bằng lương.

Về phía Công đoàn Giáo dục Việt Nam, theo ông Vũ Minh Đức, nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT và Công đoàn đều quan tâm đến các thầy cô giáo công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đặc biệt mỗi dịp lễ Tết. Trong đó có thể kể đến chương trình “Tết sum vầy” cho giáo viên cắm bản ở vùng sâu, vùng xa; chỉ đạo công đoàn giáo dục các tỉnh, thành phố, đặc biệt các tỉnh có địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn quan tâm các thầy cô; huy động các trường ĐH, công đoàn giáo dục các vùng thuận lợi tặng quà, hỗ trợ chăm sóc Tết cho giáo viên vùng sâu, vùng xa.

“Tết 2019, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có chỉ đạo đến Công đoàn Giáo dục các cấp phối hợp với các Sở GD&ĐT tham mưu với chính quyền địa phương quan tâm đến các thầy cô giáo trên chính địa phương mình.

Đồng thời, huy động trong toàn ngành hỗ trợ các thầy cô giáo công tác ở biên giới hải đảo. Chúng tôi đã tổ chức 2 chương trình “Tết sum vầy” với giáo viên và bộ đội biên phòng đang công tác tại Kỳ Sơn (Nghệ An) và Bát Xát (Lào Cai). Mỗi địa phương như vậy hỗ trợ 150 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/người. Cùng với đó, tặng hàng trăm suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Chúng tôi cũng báo cáo và cùng Bộ trưởng đến thăm, tặng quà cho giáo viên ở Bắc Giang nhằm động viên các thầy cô giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành.

Chúng tôi cũng huy động được nguồn lực hơn 10 tỷ đồng để chăm lo cho giáo viên trong dịp Tết năm nay” – ông Vũ Minh Đức thông tin thêm.

Tác giả: Hiếu Nguyễn

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP