Đại diện chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi xác nhận đoạn đường Tam Kỳ - Đà Nẵng có nhiều điểm bị bong tróc, xuất hiện ổ gà như VietNamNet phản ánh. Nhà thầu thi công đang cho khắc phục bằng cách vá mặt đường, hỏng chỗ nào vá chỗ đó.
Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Nguyễn Tiến Thành khẳng định: Sự cố như báo phản ánh chỉ là cục bộ, chưa xảy ra ở mức độ đại trà nên chưa thể kết luận do chất lượng công trình.
Ông Thành chỉ ra 3 nguyên nhân khách quan, nhiều khả năng là thủ phạm khiến mặt đường cao tốc mọc đầy ổ gà. Đó là tải trọng xe, dầu diezel chảy tràn và nhất là nước mưa đọng trên đường.
Qua kiểm tra, đoạn cao tốc hướng Tam Kỳ - Đà Nẵng được ghi nhận có nhiều vị trí bị bong tróc, mỗi điểm xuất hiện 5 - 10 ổ gà lớn nhỏ. Cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi.
Ông Nguyễn Tiến Thành (phải) trao đổi với phóng viên |
Ông cho rằng, sự dính bám giữa các lớp ở những điểm này không đảm bảo, yếu hơn so với các vị trí khác. Theo đánh giá sơ bộ, sự bong bật chỉ diễn ra ở lớp bê tông nhựa làm nhám (chừng 3cm - PV) mà không ảnh hưởng ở lớp sâu hơn.
Ông Thành phân tích, hiện tượng bong bật này có rất nhiều nguyên nhân: Do việc tưới phụ gia dính bám ở vị trí đó không đảm bảo; hoặc vị trí đó trong quá trình thi công vệ sinh chưa sạch. Đặc biệt, ông cho rằng có thể vị trí này bị trũng nước cục bộ bởi nước vốn rất kỵ với bê tông nhựa. Khi bị trũng nước, bánh xe chạy qua khiến mặt đường hỏng.
“Ổ gà trên mặt đường xuất hiện thường do mặt đường đọng nước. Khi đó, mặt đường bị lún dần dẫn đến bong ra”, ông Thành nói.
Ông giải thích, từ ngày 3-5/10, khu vực này có mưa lớn, không chỉ gây xói lở ta luy mà có thể là nguyên nhân khiến mặt đường bị ổ gà như hiện tại. Đây là cơn mưa lớn đầu mùa của miền Trung.
“Năm ngoái, công trình vẫn chịu qua mùa mưa. Nhưng đợt mưa đầu tiên bao giờ vẫn xuất hiện những sự cố trước đây chưa xảy ra. Cái này tôi cũng không thể lý giải”, Giám đốc ban quản lý dự án nói.
Chưa thấy có nguyên nhân chủ quan
Theo ông Thành, bên cạnh nước mưa, mặt đường ổ gà có thể do dầu diezel từ các phương tiệ chảy tràn ra mặt đường. Ngoài ra, từ 1 tháng qua khi thông xe toàn tuyến, lưu lượng xe tăng đột biến từ 2.000 lên 6.000 lượt xe/ngày trong khi cung đường này chưa có trạm cân.
Tại một vị trí, mặt đường vừa chi chít ổ gà vừa có dấu vết đã vá từ trước |
Ngoài 3 nguyên nhân trên, ông cho biết chưa có dấu hiệu nào để kết luận có nguyên nhân chủ quan.
“Nguyên nhân chủ quan có thể do khâu kiểm soát chất lượng đầu vào, vệ sinh không tốt tại một số vị trí cục bộ. Tuy nhiên, hiện nay chưa ghi nhận sự hư hỏng đại trà nào để kết luận có nguyên nhân chủ quan”, ông Thành cho biết.
Vị này giải thích thêm, nếu nói chất lượng bê tông nhựa có vấn đề thì sự cố phải xảy ra đại trà, không phải cục bộ như hiện tại.
“Nếu nhiều mẻ, nhiều gói thầu cũng bị, cơ quan chức năng sẽ tìm hiểu có gì sai sót về khâu thiết kế. Ví như mặt cầu Thăng Long, hiện rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc vẫn chưa kết luận nguyên nhân là gì”, ông Thành nói thêm.
Ông cho biết, các vị trí xảy ra sự cố thuộc gói thầu số 4 và số 6, thuộc các liên danh trong nước. Trên cung đường này còn có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc, nhưng ở những gói thầu đó chưa có sự cố gì. Dự án được bảo hành 2 năm, chi phí vá, xử lý sự cố sẽ do nhà thầu chi trả.
Tác giả: Cao Thái
Nguồn tin: Báo VietNamNet