Giáo dục

Cần tổng kiểm tra chất lượng giáo dục

Năm 2021, ngành giáo dục chịu nhiều “tổn thương” bởi dịch COVID-19 khi có hàng triệu trẻ em, sinh viên không được đến trường. Học trực tuyến, học sinh gắn liền với máy tính, điện thoại dẫn đến nghiện game, chất lượng học tập đi xuống.

Năm học xáo trộn

Sau lễ khai giảng trực tuyến- trực tiếp kết hợp ở nhiều địa phương, ngành giáo dục khởi đầu một năm học đảo lộn, biến động chưa từng có trong lịch sử. Học sinh tiểu học ở TPHCM, Hà Nội đã có nhiều tháng “đóng cửa” ngồi nhà học trực tuyến. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo tình trạng trầm cảm, nghiện game gia tăng sau đại dịch.

Nếu như đầu năm học, toàn quốc có 20 địa phương dạy học trực tiếp thì đến cuối tháng 11, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, chỉ có 9 địa phương, số còn lại phải dạy trực tuyến, trực tiếp kết hợp với truyền hình. Lần đầu tiên trong lịch sử, học sinh lớp 1 ở nhiều tỉnh/TP phải học trực tuyến kéo dài trong khi ở độ tuổi này các em cần giáo viên cầm tay luyện chữ. Phụ huynh, học sinh phải “vật lộn” với từng con chữ.

Học sinh Hà Nội chào cờ qua tivi trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Quỳnh Anh

Ngành giáo dục xác định dạy trực tuyến không còn là phương thức tạm thời tuy nhiên, toàn quốc có 1,7 triệu học sinh không có thiết bị học tập, số em có cũng chủ yếu là điện thoại. Đơn cử như 1 trường THCS tại huyện Ba Vì (Hà Nội), hơn 80% học sinh dùng điện thoại để học tập; ở vùng núi như Sơn La chỉ có khoảng 30% học sinh có thiết bị học trực tuyến. Các tổ chức đã phải chung tay hỗ trợ “Máy tính cho em” để việc học không bị gián đoạn.

Những bất cập về công nghệ, phương thức vận hành, kỹ thuật dạy học của giáo viên không đồng bộ báo động chất lượng giáo dục trồi sụt giữa các địa phương, thậm chí từng trường trong cùng một quận, huyện. Dạy học trực tuyến lâu dài, trong khi trình độ CNTT của nhiều giáo viên yếu kém, phải vừa dạy vừa học hỏi đồng nghiệp. Do đó, thời gian đầu trục trặc liên tục, một số giáo viên đã để lộ ảnh, clip nhạy cảm bị kỷ luật trong khi dạy học, tập huấn SGK như ở Sơn La, Đồng Tháp...

Đến nay, toàn quốc đã ở trạng thái “bình thường mới” nhưng học sinh nhiều địa phương vẫn phải học trực tuyến. Hàng triệu học sinh có 3 tháng hè bị “nhốt” trong không gian tù túng của các căn phòng và suốt một học kỳ học trực tuyến để việc học không bị “đứt gãy”, gián đoạn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng yêu cầu, ngành giáo dục địa phương phải có giải pháp linh hoạt để thích ứng dạy học, hạn chế tổn thương, nhất là học sinh nhỏ tuổi. Bộ yêu cầu các địa phương linh hoạt tiếp nhận học sinh mắc kẹt bởi dịch bệnh được đến trường.

Chất lượng ảo, lo đạo đức học sinh

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội nói rằng, đến cuối năm nay, cũng là năm thứ ba, ngành giáo dục phải trải qua những thách thức khắc nghiệt của dịch bệnh. Ngành giáo dục cần sớm có giải pháp cho năm học này khi học sinh đã mất đứt học kỳ 1 không được đến trường. Rất có thể tháng đầu học kỳ 2 cũng không khá hơn. Chất lượng học tập của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vì vậy, một số vấn đề quan trọng của ngành giáo dục cần sớm phải bàn đến. Đầu tiên, có nên kết thúc năm học vào cuối tháng 5/2022 hay không? Học trực tuyến, kiểm tra thường xuyên và định kỳ cũng trực tuyến, chất lượng sẽ ảo. Khi trạng thái “bình thường mới” được thiết lập, nên có đợt tổng kiểm tra chất lượng để đánh giá đúng thực chất. Từ đó, các địa phương chủ động xác định thời gian kết thúc năm học thích hợp.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, để ứng phó với đại dịch COVID-19, ngành giáo dục buộc phải thích ứng. Không thể đến trường, học sinh tận dụng công nghệ để tự học, tự nghiên cứu nếu không sẽ bị “bỏ lại” phía sau. Ông cũng cảnh báo, các nhà trường dù dạy trực tuyến cũng cần có giải pháp hỗ trợ tâm lý học sinh, đồng thời phụ huynh cũng đồng hành, dành thời gian, công sức để cùng dạy dỗ con cái thay vì “trăm sự nhờ trường” như trước.

Thời điểm này, Bộ GD&ĐT cũng cần tính đến phương án thi tốt nghiệp THPT 2022 theo hình thức nào, bao nhiêu môn thi, thi vào lúc nào? Cần quan tâm đến lứa học sinh lớp 12 năm nay chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 cả ba năm học cũng như học sinh lớp 9 thi tuyển vào lớp 10.

Cũng theo ông Khang, mỗi lần dịch bùng phát, ngành Y tế tập trung lực lượng chống dịch, còn ngành giáo dục thì thầy trò chẳng còn cách nào khác ngoài ở nhà dạy học trực tuyến.

Hiện nay, trở ngại lớn nhất là tâm lý lo lắng của phụ huynh khi cho con trở lại trường sẽ bị nhiễm bệnh hoặc trở thành F1 phải đi cách ly tập trung nơi này, nơi khác. Vì vậy, các địa phương, các trường học phải bình tĩnh, có cách ứng xử với F0, F1, F2 xuất hiện trong trường một cách hợp lý để phụ huynh yên tâm.

“Các con ở nhà quá lâu, học trực tuyến không những hạn chế rất nhiều về kiến thức và kỹ năng, các con còn bị tổn thương về thể chất và tinh thần”, ông Khang nói.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP