Giáo dục

“Cần tôn trọng những câu hỏi ngớ ngẩn của học sinh”

Thầy Hoàng Chí Sáu (giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) cho rằng các giáo viên cần tôn trọng những câu hỏi ngớ ngẩn nếu muốn phát triển năng lực sáng tạo của học sinh.

Để phát triển năng lực sáng tạo của học sinh, rất cần sự đầu tư, quan tâm và tinh thần trách nhiệm của giáo viên trong từng bài học.


Tại hội thảo “Phát triển năng lực sáng tạo của học sinh trong một số môn học” ngày 12/11, thầy Sáu cho rằng mục tiêu của ngành giáo dục là đào tạo ra những lớp học sinh có khả năng sáng tạo chứ không phải là những người có nhiều kiến thức lý thuyết giáo điều.

TS Trần Thị Bích Liễu, đại diện nhóm nghiên cứu đề tài cho rằng, dạy học phát triển năng lực sáng tạo là phát triển năng lực và hành vi sáng tạo cho người học, giúp họ hiểu sâu kiến thức, từ đó vận dụng để tạo sản phẩm sáng tạo”. Phát triển năngl ực sáng tạo có những đặc trưng riêng trong từng môn học.

“Có thể là các câu hỏi mới cho một bài toán; yêu cầu học sinh đưa ra một bài toán tương tự; giải quyết bài toán bằng nhiều phương án hay ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo. Hay như môn Lịch sử thì sử dụng các cách tiếp cận mới để phân tích, giải thích và đánh giá các sự kiện lịch sử, yêu cầu tạo mối liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai”, bà Liễu nói.

Tuy nhiên, điều này hiện chưa được thực hiện rộng rãi trong các giờ học thường ngày.

Nhóm nghiên cứu của đề tài đã thử nghiệm thành công các tiết dạy học phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh ở 1 trường trung học phổ thông và một trường THCS có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn và học sinh có năng lực bình thường ở Hà Nội.

Trong các tiết dạy này, các giáo viên thử nghiệm đã sử dụng rất nhiều công cụ và phương pháp sáng tạo để phát triển các năng lực sáng tạo cho học sinh. Các em được tự đặt câu hỏi để khám phá bài học. Các em làm các bài tập tưởng tượng và bài tập sáng tạo để phát triển tư duy và tưởng tượng. Thầy Sáu nhận định sau khi thực hiện thử nghiệm:

“Hiện, học sinh rất ít được khuyến khích đặt câu hỏi. Có rất nhiều nội dung của bài học giúp học sinh phát huy tư duy sáng tạo nếu giáo viên biết cách khai thác, giúp các em tìm ra được các vấn đề, đặc biệt khi giáo viên khuyến khích học sinh đặt câu hỏi. Tất nhiên giáo viênvà bạn bè phải tôn trọng câu hỏi của học sinh, dù đó là câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn”.

Đồng tình với ý kiến của thầy Sáu cô Dương Thị Phương Thảo cũng cho rằng, các tiết thử nghiệm đã giúp HS biết cách đặt câu hỏi.

Ông Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: "Nội dung môn Lịch sử cũng đang có nhiều vấn đề. Khi dạy lịch sử, các thầy cô cũng đang phải dạy theo một tiêu chí xây dựng đất nước thì ít, mà đấu tranh giữ nước thì nhiều; việc tôn trọng ý kiến, bộc lộ quan điểm của học trò thường không được để ý. Tuy nhiên,trong các tiết dạy thử nghiệm GV đã sử dụng các hoạt động nhóm,các bài tập sáng tạo để học sinh bộc lộ các ý tưởng riêng của mình”.


Ông Long cho rằng, học sinh không phải là đối tượng sợ đổi mới phương pháp dạy học bởi thầy cô thay đổi cách dạy như thế nào thì trò sẽ học như thế. Do đó, nếu vì học sinh, các thầy cô cần có những chuyển biến căn bản và tinh thần trách nhiệm.

Cô Dương Phương Thảo (Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội) nêu thực tế: “Trong các giờ dạy thử nghiệm dù đã phát triển được các năng lực sáng tạo cho học sinh nhưng vẫn còn khá hạn chế do không đủ thời gian cho các em suy nghĩ thấu đáo các ý tưởng của mình. Vì vậy, hoạt động bổ trợ sau giờ học là rất quan trọng để các em hoàn thiện các sản phẩm sáng tạo. Với học sinh trung bình, yếu kém thì để các em phát huy năng lực sáng tạo còn cần thời gian và sự hướng dẫn tỉ mỉ của giáo viên và điều đó sẽ làm được nhiều hơn sau và ngoài giờ học.”

Cô Thảo cho biết, vì chương trình, bài học, thi cử vẫn hướng đến mục tiêu kiến thức nên giáo viên vẫn chưa dám thoát li điều này. Muốn dành thời gian để học sinh được sáng tạo nhiều, giáo viên phải chọn lọc kiến thức, ngược lại để đảm bảo kiến thức, nhiều hoạt động sáng tạo phải để về nhà. Vì vậy đổi mới chương trình của Bộ hướng đến phát triển năng lực chứ không phải nội dung kiến thức là cần thiết để GV có thể phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh. Theo cô, để có thể phát triển năng lực sáng tạo học sinh, ngoài việc giáo viên cần tâm huyết với từng bài học để xây dựng những giáo án có nhiều hoạt động sáng tạo thì những người quản lý cần có tư duy đổi mới, mạnh dạn và dám thử nghiệm những cái mới.

PGS.TS.Trần Quốc Toản và các đại biểu nhận định, cần phát triển một nền giáo dục sáng tạo đổi mới thể chế giáo dục để các trường học thực hiện được phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh.

Tác giả bài viết: Thanh Hùng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP