Pháp luật

Căn cứ đổi tội danh vụ vợ cắt đứt dương vật của chồng

Theo luật sư, cần xác định chính xác trạng thái tinh thần lúc gây án của Nguyệt để áp dụng tội danh phù hợp đối với người phụ nữ cắt đứt dương vật của chồng.

TAND huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Hà Thị Nguyệt (36 tuổi, ở xã người địa phương) cắt đứt dương vật của chồng là Nguyễn Văn Hoan (29 tuổi).

Trước đó, VKSND huyện Yên Châu đã ban hình cáo trạng truy tố Nguyệt về tội Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo điểm b, khoản 2, Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015. Sau khi xem xét hồ sơ, tòa án yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can.

Trường hợp này, nếu có căn cứ xác định bị can không phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Nguyệt có bị chuyển tội danh, truy tố về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 hay không?

Thế nào là "tinh thần bị kích động mạnh"?

Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon) cho biết theo quy định, tình trạng tinh thần "bị kích động mạnh" là tình trạng người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời, do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng, dẫn tới hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Hà Thị Nguyệt. Ảnh: Minh Phượng.

Vấn đề "trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" đã được hướng dẫn lần đầu tại Chương 2 Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Theo đó, tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời, do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên.

Cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được. Nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

Đối chiếu với trường hợp này, ông Long cho rằng để xác định Nguyệt có ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không, cần dựa trên các yếu tố sau:

Thứ nhất, phải có hành vi trái pháp luật của bị hại là Nguyễn Văn Hoan.

Thứ hai, hành vi trái pháp luật phải là hành vi đối với người phạm tội; người thân thích hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội.

Thứ ba, hành vi trái pháp luật của bị hại phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần

Thứ tư, trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái bị kích động.

"Theo tài liệu hiện có, hành vi của Nguyệt xuất phát từ việc chồng nhiều lần xâm hại con riêng của mình. Hành động của Hoan là trái pháp luật, trái luân thường đạo lý của chồng đối với con gái ruột. Đặt trong hoàn cảnh trên, khó để chị Nguyệt giữ bình tĩnh. Bởi vậy, có căn cứ để xếp bị can thuộc trường hợp gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh", ông Long phân tích.

Căn cứ đổi tội danh

Luật sư Lưu Kiều Trang (Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) cũng cho rằng việc xác định tình trạng tinh thần "bị kích động mạnh" sẽ căn cứ quy định tại Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Theo luật sư, cần xác định phản ứng của bị can Nguyệt có mang tính tức thời hoặc là hậu quả của việc trạng thái tâm lý bị dồn nén lâu ngày bởi hành vi vi phạm pháp luật của Hoan hay không.

"Trường hợp này, Nguyệt không ra tay ngay khi phát hiện hành vi của chồng mà tới đêm, khi chồng đang nằm ngủ thì bị can mới thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, bị can cũng mới lắp đặt camera ngày 19/3 và không biết về các hành vi đồi truỵ trước đó của Hoan. Do đó, khó có cơ sở để xác định Nguyệt rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh trong trường hợp này", luật sư Trang phân tích.

Trường hợp nếu bị chuyển tội danh sang Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Cố ý gây thương tích, với mức độ thương tật của Hoan là 72%, khung hình phạt có thể áp dụng cho Nguyệt là 7-14 năm tù. Nếu xử lý theo tội danh này, việc trạng thái tinh thần của Nguyệt bị kích động (chưa phải kích động mạnh) có thể là tình tiết để HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can.

Công an tống đạt quyết định tố tụng với Hoan (áo đen) về tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Ảnh: Công an Sơn La.

Đồng quan điểm, luật sư Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway) cũng cho rằng do thời điểm Nguyệt gây án không phải ngay sau khi phát hiện hành vi đồi trụy của chồng và bị can cũng mới phát hiện hành vi đó sau khi lắp đặt camera giấu kín, chưa đủ căn cứ để xác định bị can thuộc trường hợp bị kích động mạnh. Bởi vậy, việc Nguyệt có thể bị xét xử về tội danh nặng hơn là có cơ sở.

Ngoài ra, trích dẫn Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, ông Thắng cho biết toà án sẽ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố. Quá trình thụ lý hồ sơ, HĐXX có quyền xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố.

Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội nặng hơn tội danh truy tố, toà án sẽ trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho phía bị cáo. Trường hợp VKS giữ nguyên quan điểm, toà án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

Tác giả: Hoàng Linh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP