Trong nước

Các 'con rối' trong tay Hà Văn Thắm là ai?

Vợ, mẹ vợ, em vợ Hà Văm Thắm cùng thư ký HĐQT Oceanbank được Thắm cho đứng tên cổ đông, Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc một số công ty sân sau.

Đại gia Hà Văn Thắm cùng 16 đồng phạm bị đề nghị truy tố

Kết luận điều tra cho thấy, trong quá trình điều hành OceanBank, bằng các thủ đoạn thành lập các công ty sân sau, Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để rút tiền của ngân hàng, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

20161007081919 anh3
Hà Văn Thắm. Ảnh: Oceanbank

Theo tài liệu điều tra, đến ngày 31/3/2014, vốn điều lệ của Oceanbank là 4.000 tỷ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ là tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 20%, công ty CP Tập đoàn Đại Dương chiếm 20%, công ty TNHH VNT chiếm 20%, công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà 6,65%...

Cựu Chủ tịch Oceanbank đã sử dụng những công ty và cá nhân có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp để nắm giữ 62,97% cổ phần tại Oceanbank.

Quá trình chỉ đạo, điều hành các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tài chính - tiền tệ tại Oceanbank, Hà Văn Thắm có nhiều vi phạm dẫn đến nợ xấu.

Các 'con rối' trong tay Hà Văn Thắm

Kết luận điều tra cho thấy, công ty cổ phần BSC Việt Nam có 5 cổ đông do Thắm nhờ đứng tên, không có vốn góp. Mọi hoạt động của công ty này đều do Thắm chỉ đạo và quyết định.

Cuối năm 2008, BSC thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 3, Thắm đổi tên các cổ đông, để Hoàng Thị Hồng Tứ, thư ký HĐQT Oceanbank làm Chủ tịch HĐQT và đại diện trước pháp luật.

Tại cơ quan điều tra, bà Tứ khai được Thắm nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT BSC và đại diện pháp luật. Thực tế, công ty này hoạt động theo chỉ đạo của Thắm.

Bà Tứ làm việc tại ngân hàng OceanBank, không được bàn bạc và báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của công ty.

Theo lời khai của bà Tứ, bà ta có ký một số hợp đồng dịch vụ khách hàng trong hoàn cảnh: các hợp đồng đã được đánh máy, ghi người đại diện BSC là Hoàng Thị Hồng Tứ và khách hàng ký trước rồi chuyển về BSC.

Bà Tứ khai không hề tham gia công việc gì và cũng không hưởng lương của công ty BSC.

Cơ quan điều tra cho rằng, bà Hồ Thị Quỳnh Nga (vợ Thắm), bà Bùi Thị Cẩm Vân (mẹ vợ Thắm), ông Hồ Vĩnh Hoàng (em vợ Thắm) và bà Hoàng Thị Hồng Tứ được Thắm cho đứng tên cổ đông, Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc một số công ty sân sau của Thắm, giúp cho Thắm và đồng bọn sử dụng pháp nhân để thực hiện các hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, chưa phát hiện tài liệu chứng cứ chứng minh yếu tố chủ quan của các ông bà này có dùng ý chí và giúp sức cho hành vi phạm tội của Thắm.

Những người này cũng không được Thắm bàn bạc hoặc cho hưởng lợi ích vật chất gì. Vì vậy, cơ quan điều tra đề nghị không xem xét trách nhiệm của những người này.

Theo cơ quan điều tra, Hà Văn Thắm và các đối tượng có liên quan móc nối với các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền để can thiệp đối phó với cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, tạo dựng bổ sung hồ sơ, bổ sung tài sản để che dấu hành vi vi phạm vì kết luận thanh tra đã chỉ ra những sai phạm trong phê duyệt cho vay của Thắm và một số cán bộ ngân hàng.

Nhưng việc xác định hậu quả chưa có tài liệu để đảm bảo đánh giá được cụ thể chính xác nên việc tiếp tục thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ phục vụ yêu cầu đề ra gặp rất nhiều khó khăn.

Tác giả bài viết: T.Nhung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP