Du lịch

Bún mực Phú Yên - Hương vị thanh đạm làm xao xuyến lòng người

Xứ sở "hoa vàng, cỏ xanh" làm mê đắm hàng vạn du khách bởi nhiều đặc sản nức tiếng, trong đó phải kể đến món bún mực thơm ngon, thanh đạm.

Phú Yên thu hút đông đảo khách du lịch gần xa với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như Hải đăng Đại Lãnh (hay Mũi Điện) - nơi đón ánh mặt trời đầu tiên ở cực Đông của Tổ quốc; ghềnh Đá Đĩa; chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy hữu tình của vịnh Xuân Đài; vịnh Vũng Rô; thưởng thức hải sản tươi ngon ngay tại đầm Ô Loan...

Nếu như bún mực ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) thiên về vị ngọt thanh của mực chứ không ngọt sắc như đường thì nước dùng trong món bún mực của Phú Yên lại được nấu theo vị chua dịu. Món ăn tuy giản dị, mộc mạc nhưng sự hòa quyện của nước dùng với sợi bún trắng kết hợp mực tươi giòn đã tạo nên hương vị "gây thương nhớ" cho biết bao thực khách.

Bún mực của Phú Yên được nấu theo vị chua dịu

Nguyên liệu để chế biến món bún mực Phú Yên gồm: bún, mực cơm, cà chua, dứa (thơm, khóm), hành củ, hành lá, giá đỗ, các loại rau thơm. Món ăn hấp dẫn không chỉ bởi nguyên liệu tươi ngon mà nước dùng thơm mùi dứa, đẹp màu cà chua, hương vị đậm đà tạo nên "chất riêng" của tô bún mực.

Bún mực Phú Yên sử dụng mực cơm loại nhỏ, thịt ngọt, dai mềm vừa đủ. Mực tươi được sơ chế kỹ, trước tiên cần rút túi mực (công đoạn này phải thật nhẹ tay, cẩn thận để túi mực không bị vỡ), bỏ phần đầu mực, cắt mắt và răng mực, sau đó rửa sạch và để ráo nước.

Bún mực sử dụng mực cơm loại nhỏ, thịt ngọt

Công đoạn chế biến nước dùng không quá cầu kì, phức tạp nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ trong quá trình nấu. Có thể dùng xương lợn hoặc xương gà hầm cho nồi nước dùng được trong, ngọt và ngon hơn.

Cà chua rửa sạch, bổ múi cau. Tiếp đến gọt vỏ, cắt bỏ mắt dứa cẩn thận rồi thái miếng vừa ăn (khoảng 1/4 lóng tay). Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, xắt mỏng, đợi dầu nóng thì cho hành vào chảo phi thơm.

Bún mực phải ăn ngay lúc còn nóng hổi mới ngon

Tiếp đó, ta cho mực đã ráo nước vào nồi, đun chín, mực sẽ chuyển sang màu hồng hoặc tím nhạt, cực kỳ giòn ngọt. Cho dứa và cà chua vào nước dùng để tạo vị chua ngọt đặc trưng, nêm gia vị vừa đủ với độ ngọt của nước dùng. Rau thơm, hành ngò bỏ rễ, rửa sạch, thái nhỏ.

Bún mực nấu xong phải ăn ngay lúc còn nóng hổi mới ngon, mực mềm giòn mà không dai, nước dùng nghi ngút khói tỏa hương thơm nức mũi.

Bún mực thanh đạm, thơm ngon, lại nhẹ bụng

Màu nước dùng đẹp mắt, tạo ấn tượng cho bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bún mực có hương vị thanh đạm, thơm ngon, lại nhẹ bụng giúp "đánh thức" vị giác của mỗi người. Bên cạnh đó, mực còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe như ngăn ngừa viêm khớp, bổ sung các vitamin, duy trì sự khỏe mạnh cho làn da, cơ bắp và tốt cho tim mạch.

Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận rõ độ giòn ngọt của mực tươi, nước dùng đủ vị chua cay mặn ngọt nhưng nổi trội hơn hẳn là vị chua dịu; sợi bún mềm dai. Ngoài ra, bún mực có thể ăn kèm với các loại rau sống tươi non và nước mắm chua cay.

Tác giả: Như Khánh

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP