Xuất thân là sinh viên khoa kịch ĐH Sân khấu - Điện ảnh nhưng chị lại chuyển sang việc dẫn chương trình rồi gắn bó với VTV tới hôm nay?
- Thật ra việc một người không học báo chí nhưng lại “nên duyên” với truyền hình như tôi không phải hiếm. Tôi bắt đầu từ một sinh viên thực tập với mong muốn tiếp cận với môi trường truyền hình và được khán giả biết đến qua vai trò người dẫn của bản tin Thời tiết.
Những bản tin ngắn nhưng đòi hỏi sự kết hợp toàn diện giữa việc chuyển tải thông tin mang tính khoa học làm sao cho khán giả thấy gần gũi, dễ hiểu, cùng với việc diễn đạt các hình thể thời tiết bằng các động tác và di chuyển trên khuôn hình tưởng đơn giản nhưng phải mất hàng năm trời mới có thể thuần thục.
Đó là nền tảng đầu tiên giúp tôi hình thành kỹ năng, phong thái dẫn sau này. Nhưng tôi không muốn mình chỉ đơn thuần là một người dẫn chương trình mà ước mơ từ nhỏ trở thành một phóng viên, nên tôi đã học hỏi các anh chị, cô chú đi trước, tham gia các lớp đào tạo báo chí để có thể trực tiếp sản xuất tin bài, phóng sự cho các bản tin Thời sự.
BTV Minh Trang.
Minh Trang từng khiến nhiều người bất ngờ khi công diễn vở kịch “Đỉnh cao và vực sâu” với vai trò là tác giả kịch bản. Và việc bạn chuyển qua làm MC nhiều người sợ bạn sẽ lơ là công việc viết kịch?
- Tôi học biên kịch Điện ảnh để xây dựng nên các kịch bản phim, chứ không phải biên kịch Sân khấu, nhưng điều đó không quá quan trọng, chỉ khác nhau về mặt kỹ thuật viết, còn cảm xúc không khác gì nhau khi đã chắp bút viết nên những trang nội dung mang tên mình. Tôi viết bởi trong lòng lúc nào cũng cảm thấy vẫn còn “nợ” với nghề sáng tác, “nợ” những năm tháng miệt mài với từng trang tiểu phẩm đầu tiên trên giảng đường. Tôi may mắn vì cùng một lúc được làm công việc mình mơ ước, đôi khi vẫn có thể viết để “trả nợ” chính mình.
Một BTV bản tin thời sự chào buổi sáng bản lĩnh, mạnh mẽ và một nhà biên kịch với tâm hồn bay bổng, lãng mạn… đâu là tính cách thật của Minh Trang? Hai công việc này bổ trợ gì cho nhau?
- Làm BTV Thời sự cũng cần có một tâm hồn giàu cảm xúc chứ! Tôi cần sống với những vấn đề được phản ánh trong từng tin bài, tự cảm nhận mới có thể truyền tải một cách trọn vẹn tinh thần, nội dung của từng lời dẫn, giúp khán giả hiểu sâu, đánh giá đúng về các vấn đề được phản ánh. Cảm xúc, thái độ của người dẫn trong từng tin bài cũng thể hiện chính bản lĩnh, quan điểm, và dấu ấn cá nhân của họ rồi.
Bên cạnh đó, sự mạnh mẽ, quyết liệt cũng là tố chất không thể thiếu của một người sáng tác, bạn cần quan sát, cần xây dựng các tuyến nhân vật bộc lộ những tính cách điển hình trong cuộc sống…
Hơn nữa, viết kịch bản là công việc rất khó khăn, trăn trở rất nhiều, có lúc bạn sẽ cảm thấy rối bời giữa chính những tình huống, nhân vật mà mình dựng lên. Nếu không có ý chí, không mạnh mẽ dễ bỏ cuộc. Vậy nên chắc trong con người tôi có cả hai tính cách: vừa mạnh mẽ, vừa bay bổng, lãng mạn.
Người ta nói MC thời sự cũng như MC chương trình Chào buổi sáng cần có tinh thần thép mới trụ được với môi trường áp lực, chị nghĩ sao?
- Nghề nào cũng có những khó khăn và vinh quang riêng. Thử thách đến từng ngày, từng giờ, thậm chí từng giây trong công việc. Ví dụ như cả bản tin được toàn bộ đội ngũ tổ chức sản xuất, biên tập, phóng viên, kỹ thuật viên hàng chục người, từ khắp cả nước miệt mài thực hiện suốt cả đêm, chỉ mong trọn vẹn mỗi giờ lên sóng, và bao nhiêu kỳ vọng ấy đặt hết vào người dẫn.
Chúng tôi phải cực kỳ tập trung và cẩn trọng, chỉ cần sơ sảy một chút, việc nhầm lẫn những nội dung quan trọng rất có thể xảy ra bởi bản tin trực tiếp, một lời nói ra không thể lấy lại được. Người làm việc càng lâu năm, càng phải trang bị cho mình bản lĩnh làm nghề chuyên nghiệp, kỷ luật, không ngừng học hỏi mới có thể vượt qua được những thử thách của nghề này.
Sự cố nhắc nhở và để thấy mình mạnh mẽ hơn
11 năm công tác tại VTV, có câu chuyện, kỷ niệm hay sự cố nghề nghiệp nào khiến chị nhớ, ấn tượng và sợ nhất?
- Có một kỷ niệm tôi chưa từng tiết lộ đó là khi còn là người dẫn chương trình thời tiết. Thời ấy, lên hình vẫn phải mặc áo dài. Sáng sớm, tôi đến cơ quan dẫn bản tin bằng xe ôm. Đi trên đường, tà áo dài quấn vào bánh xe máy khiến tôi ngã đập đầu xuống mặt đường ngay gần cổng Đài, nhưng tất cả những gì tôi nghĩ được lúc đó là phải vào trường quay cho kịp giờ lên sóng, không để ý mình có bị làm sao hay không, mặc dù ngã rất đau.
Chiếc áo dài đang mặc bị rách, bác lái xe ôm đưa cho tôi chiếc áo khoác, và tôi chạy lên phòng vội vàng thay rồi xuống trường quay dẫn bản tin an toàn, trơn tru, mà khán giả và chính bản thân cũng không biết rằng đằng sau đầu, máu chảy ướt cả cổ áo. Ngay sau khi bản tin kết thúc, tôi bị hôn mê, tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong viện, và câu đầu tiên vẫn hỏi mọi người là mình có dẫn được bản tin đó không? Bản tin có làm sao không? Người tôi liên tục nhắc đến sau khi tỉnh là anh Hữu Thành, chuyên viên Khí tượng, thủy văn, cùng làm việc với tôi sáng hôm đó, bởi tôi sợ mình dẫn không chính xác.
Đến nay, thỉnh thoảng vết thương cũ vẫn đau nhức khi thay đổi thời tiết. Với tôi, đó là một lần đấu tranh để vượt qua chính mình, bởi sau sự việc ấy, nhiều người thân, bạn bè xót ruột khuyên tôi nên tìm công việc khác. Và rồi, tôi vẫn chọn ở lại với công việc này. Thế nên, mỗi lần thấy quá căng thẳng, áp lực, tôi lại nghĩ về sự cố ấy để thấy mình mạnh mẽ hơn.
Bạn có thần tượng ai?
- Tôi đặc biệt ngưỡng mộ Oprah Winfrey – người dẫn chương trình truyền hình người Mỹ gốc Phi nổi tiếng nhất Thế giới. Tôi xem rất nhiều chương trình của Oprah và hoàn toàn bị lôi cuốn bởi một người phụ nữ da màu không hề xinh đẹp nhưng có thần thái tuyệt vời với cách dẫn lôi cuốn, đầy thông minh và rất tự nhiên.
- Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Tác giả bài viết: Hương Hồ
Nguồn tin: