Giáo dục

Bóc mẽ những 'thần đồng dởm' ở Sơn La

Nhiều thí sinh ở Sơn La học hành rất lớt phớt nhưng lại có điểm thi cao chót vót để dễ dàng trúng tuyến các trường khối công an, quân đội.

Sau Hòa Bình, đến lượt Sơn La trở thành tâm điểm chú ý của dư luận vì tiêu cực trong thi cử năm 2018 ảnh: Nghiêm Huê

Bộ GD&ĐT đã công bố thông tin về xử lý vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La. Theo đó, có tới 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Đáng chú ý, có thí sinh bị giảm tới 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.
Nếu tính tổng số thí sinh được nâng điểm của Sơn La sau hai lần chấm thẩm định của Bộ thì con số lên tới 86 thí sinh. Cụ thể, tại đợt chấm thẩm định lần 1 vào tháng 7/2018, đối sánh dữ liệu và chấm thẩm định lại 110 bài thi môn Ngữ văn tại Sơn La thì có 42 thí sinh bị giảm điểm. Thí sinh bị giảm nhiều điểm nhất lên tới 4,5 điểm.

Chiều qua 24/3, trao đổi với PV Tiền Phong, em N.V.H, đang là sinh viên năm thứ nhất tại một trường ĐH ở Hà Nội, đến từ Sơn La cho biết, có một số bạn cùng quê điểm cao đã nhập học vào các trường khối công an nhân dân. Thậm chí, có một thí sinh sinh năm 1997, là cháu ruột của nguyên phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Trần Xuân Yến, người đã bị khởi tố đợt tháng 7 vừa qua, trước đây học khối tự nhiên nhưng đến năm 2018 thi cùng với những thí sinh sinh năm 2000 khối xã hội đã đạt điểm rất cao và trúng tuyển vào trường khối công an nhân dân.

Tuy nhiên, H thông tin thêm, trong số những bạn đạt điểm cao của Sơn La được dư luận quan tâm và nhắc đến nhiều vừa qua là bạn B.N, ban đầu B.N đăng ký trường khối ngành công an. “Ngay sau khi có những thông tin liên quan đến tiêu cực thi cử tại Sơn La, B.N là tâm điểm chú ý của dư luận thì bạn ấy đã đổi nguyện vọng vào một trường ĐH dân sự và xét tuyển bằng tổ hợp khác, không phải tổ hợp đạt điểm cao nhất. Hiện B.N đang học tại một trường dân sự bình thường ở Hà Nội” - N.V.H cho hay.

Cần công khai danh sách thí sinh để làm gương

N.V.H cũng cho rằng, những thí sinh bị hạ điểm môn Văn trong lần chấm đầu tiên của Bộ GD&ĐT không phải bạn nào cũng nằm trong “top đen” nghi ngờ. Vì có những bạn chỉ bị hạ 0,25 điểm. Nhưng theo H., đấy là những bạn học thật thi thật. Ví dụ như bạn Quách Xuân Trường, nằm trong đội tuyển Sử quốc gia của trường. Trường học ngày học đêm và kết quả thi thì Trường chỉ nổi trội môn chuyên.

Hoặc có những bạn được mệnh danh là “thần đồng” môn Toán của chuyên Sơn La như Giang Chí Dần nhưng khi thi THPT quốc gia, kết quả môn Toán cũng không đạt được cao như những bạn học lớp chuyên Sử, chuyên Địa, chuyên Văn. Trong khi đó, có bạn T.H học hành lớt phớt thì vẫn đạt điểm cao, và đỗ vào trường khối công an.

Suy nghĩ của cá nhân em thì cho rằng, những bạn gia đình có thế lực, hay có bố mẹ làm lãnh đạo trong chính quyền thì cần công khai. Đây là cách làm tăng lòng tin của dân và cũng là bài học cho những người dùng quyền hay tiền để “mua tương lai” cho con em mình”.

N.V.H đến từ Sơn La, sinh viên năm thứ nhất một trường ĐH ở Hà Nội

Do đó, theo H., nên công khai một số bạn trong danh sách những thí sinh được nâng điểm. Đồng thời cũng có một số biện pháp cứng rắn từ Bộ GD&ĐT cũng như các trường ĐH mà những bạn này đang theo học. Công khai danh sách để làm gương và cũng là để chặn đứng thói dùng quyền lực, dùng tiền, quan hệ tạo tương lai của con em mình. Vì họ làm vậy là sẽ gây thiệt thòi cho những bạn luôn tự cố gắng để học tập, để thi.

“Cũng cần công khai để cho những bạn khác học thật thi thật như em đỡ tức. Có những bạn học trong lớp rất bình thường nhưng khi đi thi lại đạt điểm thi rất cao, thậm chí, những môn khác với môn chuyên đã chọn. Có những bạn điểm trung bình các môn thi lên đến 9.5, có bạn lên đến 9.8. Một học sinh bình thường không bao giờ đạt được đến mức đó. Do đó, em nghĩ cần công khai vì vừa để răn đe nhưng cũng còn là bộ mặt giáo dục của tỉnh Sơn La” - N.V.H nói.

Còn theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thì cần phải xử lý kết quả. Những sinh viên vì gian lận mà trúng tuyển đều phải buộc thôi học. Thậm chí, có những sinh viên gian lận nhưng điểm vẫn đủ để vào trường đang học thì vẫn phải thông báo đến trường để nhà trường biết chuyện đó để có biện pháp xử lý theo quy định. Còn công khai danh tính thí sinh thì cần cân nhắc.

Trả lời Tiền Phong, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết quy trình xử lý kết quả chấm thẩm định của Sơn La giống như Hòa Bình. Bộ GD&ĐT có hai công văn gửi Sở GD&ĐT Sơn La và các cơ sở đào tạo ĐH.

Theo đó, Sở GD&ĐT Sơn La cập nhật kết quả thi của các thí sinh; xét công nhận tốt nghiệp THPT và thông báo kết quả cho các thí sinh liên quan; đồng thời, cung cấp thông tin về điểm thi của các thí sinh này cho Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an), các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên để cập nhật, rà soát kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 đối với các thí sinh có liên quan.

Các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên liên hệ chặt chẽ với Sở GDĐT Sơn La để được cung cấp các thông tin liên quan; căn cứ thông tin được cung cấp để rà soát kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 của trường mình. Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học thuộc phạm vi quản lý thực hiện nội dung này.

Tác giả: NGHIÊM HUÊ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP