Giáo dục

Bob Kerrey làm Chủ tịch ĐH Fulbright: Nên tha thứ, cùng hướng tới tương lai

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết khi những con người họ đang cố gắng hoá giải hận thù thì mình cũng không nên cố gắng lưu giữ mãi những gì là đau thương. Chúng ta không quên nhưng không được khư khư nó.

1 45069
Ông Dương Trung Quốc

Nói về ông Bob Kerrey, ông Dương Trung Quốc cho rằng ở hệ thống chính trị Mỹ, ông là Thượng nghị sĩ là người có tiếng nói, có vai trò trong hệ thống chính trị, xã hội. Ông cũng là hội đồng quản trị của trường này ở Mỹ thì chúng ta không nên đặt chuyện này ra làm gì.

Chúng ta cho rằng không được để ông là chủ tịch một trường ở Việt Nam vì những gì ông ấy đã gây ra ở vụ thảm sát Thạnh Phong – Bến Tre năm 1969 là không nên. Có thể những người phản đối họ có suy nghĩ riêng hoặc từng chứng kiến những nỗi đau quá lớn. Nhưng chúng ta phải nhìn về tương lai.

“Chúng ta luôn luôn nói hoà giải nếu chúng ta khư khư giữ ám ảnh quá khứ thì chẳng thế chơi với ai được vì thế kỷ 20 chúng ta đánh nhau với bao nhiêu nước. Lúc đó là vì bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc nhưng nay đã hoà bình rồi thì chúng ta nên mở cửa và xoá bỏ hận thù chiến tranh” – ông Quốc nói.

Không chỉ thế, nếu với riêng Mỹ, nếu trong tư duy của chúng ta vẫn còn luẩn quẩn suy nghĩ tội ác chiến tranh trong quá khứ là từ phía bên này hay bên kia thì rất khó có sự hòa giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Nhìn lại quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, năm 1995, cựu Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế và thương mại đối với Việt Nam.

Đứng bên cạnh ông Bill Clinton trong buổi tuyên bố đó là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry- người từng bị thương tại chiến trường Việt Nam và Thượng nghị sĩ John McCain - người từng bị bắt làm tù binh ở Việt Nam.

Hai người này được coi là những cựu chiến binh tích cực nhất trong việc hòa giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Vì vậy, chúng ta hãy nhìn nhận việc Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Kerrey - người từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam được lựa chọn làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác ĐH Fulbright một cách khoan dung hơn.

Tôi không nói đây là việc người Hoa Kỳ muốn chuộc lỗi hay không nhưng rõ ràng, hành động của họ là muốn cải thiện mối quan hệ với Việt Nam và thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đặc biệt là trên lĩnh vực giáo dục.

Chúng ta không bao giờ quên quá khứ. Chiến tranh là mất mát, đau thương nhưng chúng ta cần nhìn về hiện tại và tương lai trên phương diện bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Chúng ta không nên đào sâu những mất mát, đau thương mà nhân dân hai nước đã và đang gánh chịu.

Ngoài ra, ông Quốc cũng cho rằng việc thành lập trường đại học Fulbright tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bạn trẻ có thể học tập, tiếp cận với nền giáo dục đại học của Hoa Kỳ ngay ở trong nước.

Qua việc thành lập trường ĐH Fulbright, Việt Nam có thể học hỏi mô hình đào tạo, quản lý nhân sự cũng như nâng cao chất lượng nguồn giảng viên từ phía Hoa Kỳ.

Cùng quan điểm với ông Dương Trung Quốc, GS Võ Tòng Xuân – hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng chúng ta nên xoá bỏ chia sẻ và tha thứ điều này với ông Bob Kerry. Nếu xét ở góc độ nào đó mọi cuộc chiến tranh đều không phải là ở binh lính mà họ đều làm theo chỉ đạo của cấp trên.

GS Xuân cho biết qua theo dõi trên báo chí và tìm hiểu của riêng ông, ông thấy cựu thường nghị sĩ Bob Kerry cũng là người đã hối lỗi khi ông đã quyết định vận động để xây dựng một trường đại học danh tiếng ở Việt Nam. Hành động của ông đã chứng tỏ ông thực sự muốn chuộc lại lỗi lầm quá khứ của mình.

Ở góc độ chiến tranh, GS Xuân cho biết mình cũng có hàng nghìn chiến sĩ Mỹ bị thương vong chứ không riêng người Việt. Điều quan trọng, Kerry có thiện chí, ông đứng ra lo kinh phí nuôi trường, đây là điều đáng quý. Mình không nên buộc tội ông. Nên tha thứ - đó là quan điểm của GS Xuân.

Hơn nữa, nếu ở góc độ giáo dục thì đây là cơ hội tốt cho học sinh Việt Nam có thể được học ở môi trường đào tạo tốt, điều này rất quý.

Tác giả bài viết: Phương Thuý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP