Trong nước

Bộ trưởng Văn hóa lên án trò chơi team building phản cảm

"Chúng tôi không khuyến khích và sẽ kiểm tra trong các công ty du lịch, nếu trường hợp nào đứng ra tổ chức những trò chơi phản cảm thì sẽ bị xử lý nghiêm túc" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Chiều 10/8, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhiều đại biểu đưa ra vấn đề về sự xuống cấp của văn hóa và những trò chơi phản cảm "nở rộ" thời gian qua.

Trò chơi mang hệ quả xấu

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau): Gần đây dư luận rất quan tâm tới những trò chơi trong team building gợi dục, xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?

Nêu quan điểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói rõ: "Chúng tôi lên án những trò chơi phản cảm. Chúng tôi không chỉ đạo các công ty du lịch làm, đây là do các hội nhóm khi tổ chức đi chơi. Thực ra đây là các trò chơi ở nước ngoài du nhập vào Việt Nam, những người chơi không lựa chọn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn chiều 10/8 (Ảnh: Quốc Chính).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến nghị các thành viên khi tham gia team building không hưởng ứng các trò chơi có nội dung phản cảm và mang hệ quả xấu, hệ lụy không tốt.

"Chúng tôi không khuyến khích và sẽ kiểm tra trong các công ty du lịch, nếu trường hợp nào đứng ra tổ chức những trò chơi phản cảm thì chúng tôi sẽ bị xử lý nghiêm túc" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Xuống cấp đạo đức đang ở mức nào?

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nêu đặt vấn đề: Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội. Bộ trưởng cho biết, việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào, xu hướng thời gian tới. Pháp luật và đạo đức là hai quy phạm chủ yếu và đặc biệt quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội. Qua nhiều năm, pháp luật đã được hoàn thiện và tăng cường nhưng quan hệ xã hội ở nhiều nơi nhiều lúc ngày càng nóng bỏng, cử tri và nhân dân lo lắng… Đề nghị Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này và có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường, củng cố như pháp luật, để mọi người tuân thủ và thực hiện đúng đạo đức, đem lại hiệu quả tốt cho xã hội và không vi phạm pháp luật hay bị xử lý hành chính hay xử lý hình sự.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận văn hóa đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp và có nhiều vấn đề cần phải được đầu tư, xem xét, cần tiến hành các giải pháp bằng việc hoàn thiện thể chế bằng các công cụ pháp luật và phối hợp giữa các Bộ, ngành để giải quyết.

Nhóm du khách cởi áo ngực phản cảm ở bãi biển Cửa Lò khi chơi team building (Ảnh cắt từ clip).

"Vấn đề xây dựng văn hóa là công việc lâu dài. Trong xây dựng văn hóa thì xây dựng con người văn hóa vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, phải có trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Khi hình thành được môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và xã hội thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng của con người văn hóa và hạn chế được sự xuống cấp của vấn đề đạo đức" - ông Hùng nhấn mạnh.

Ứng xử không đẹp của văn nghệ sĩ

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương): Hiện nay sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng đến cộng đồng ngày càng rộng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của internet và các công cụ mạng xã hội, những câu chuyện về đời sống thường ngày, nhất là phong cách thời trang. Việc ăn mặc chưa đúng mực của nghệ sĩ trong những lần xuất hiện trước công chúng hay trên mạng xã hội đều được dư luận và giới trẻ quan tâm. Tuy nhiên, đâu là ranh giới giữa phong cách thời trang và thuần phong mỹ tục đối với cách ăn mặc của không ít nghệ sĩ hiện nay. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này để đảm bảo phát triển văn hóa con người gắn với thuần phong mỹ tục truyền thống của dân tộc hiện nay?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, vừa qua có những ứng xử không đẹp, phản văn hóa của văn nghệ sĩ. Chúng tôi đã ban hành quy tắc ứng xử ở Quyết định 3196, trong đó nêu rõ ứng xử trong nghề nghiệp, ứng xử trong khát vọng cống hiến, lấy thước đo chân - thiện - mỹ để hạn chế cái xấu. Những quy tắc này đã được giới văn nghệ sĩ tiếp tục triển khai.

Đây không phải là một chế tài nhưng mà một hướng vận động có tính chất phạm trù đạo đức để mọi người tự giác, khuôn mẫu vào làm, còn có một số vấn đề phản cảm thì nhắc nhở.

"Đối với những phản cảm, ngành văn hóa đã có những phê phán, nhắc nhở. Cũng không thể lấy hình ảnh của trang phục của một nghệ sĩ trên sân khấu để bắt chước và làm theo, cái này phải tùy theo gu thẩm mỹ" - ông Hùng cho biết.

Trong phiên chất vấn chiều 10/8, trả lời thêm về vấn đề liên quan đến văn hóa trên môi trường mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời trực tiếp với các đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: Quốc Chính).

Phó Thủ tướng cho rằng, đời thực có gì thì trên mạng có cái đó, trên mạng khác đời thực ở chỗ: Thứ nhất là tốc độ lan của thông tin trên mạng nhanh hơn rất nhiều và diện rộng hơn rất nhiều. Một đám cãi nhau ở chợ chỉ có vài trăm người nghe thấy nhưng lên mạng có thể hàng triệu người thấy. Đặc biệt, bằng các công nghệ mới bây giờ thì hiệu ứng trên mạng nó hơn hiệu ứng nhìn thật rất nhiều, nhất là bây giờ với các công nghệ lồng các nhạc đệm, nhạc nền, công nghệ làm những video rất ngắn và những người làm giỏi thì tốc độ lan truyền và nó gây xúc cảm rất mạnh.

Thứ hai là, thế giới đã thống kê tốc độ tác động và lan truyền của một thông tin xấu nhanh khoảng bằng 6-7 lần thông tin tốt.

Theo Phó Thủ tướng, cộng 2 yếu tố trên lại cho thấy, một thông tin phản văn hóa và xấu trên mạng xã hội thì tác động lớn hơn rất nhiều lần so với một hiện tượng xấu thời chưa có mạng xã hội.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP