Giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục: Đề án ngoại ngữ hơn 9.000 tỷ đồng không đạt mục tiêu

Trước câu hỏi của đại biểu về việc Đề án ngoại ngữ hơn 9.000 tỷ đồng có đạt mục tiêu, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn trả lời: Không!

59 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong phiên làm việc sáng 16/11. Mở đầu, đại biểu Trương Minh Ánh (Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) đặt câu hỏi về đề án đào tạo ngoại ngữ đến năm 2020, kinh phí khoảng 9.400 tỷ đồng, với mục tiêu đưa ngoại ngữ thành thế mạnh của học sinh - sinh viên Việt Nam có đạt mục tiêu?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói ngắn gọn: Tôi xin trả lời thẳng là không đạt.


Theo Bộ trưởng Giáo dục, việc dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, có tính chất lâu dài và liên quan tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau. "Bộ cố gắng đưa ra lộ trình, nhưng quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề về thời gian, kinh phí, do vậy chúng tôi xin nhận trách nhiệm", ông Phùng Xuân Nhạ nói và cho biết, cơ quan này đã rà soát để điều chỉnh lại cách tiếp cận và mục tiêu của đề án.

Theo đó, không đề ra mục tiêu tới năm 2020 "mọi đối tượng được đào tạo về ngoại ngữ" mà sẽ tập trung vào đổi mới chương trình, đào tạo giáo viên, xã hội hoá, "tạo môi trường động lực chứ không phải chỉ trông chờ vào việc triển khai đề án". Ông cũng cho biết, đề án điều chỉnh sẽ được Bộ Giáo dục trình Chính phủ trong thời gian tới.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng không phải cứ đặt mục tiêu đến năm 2035 phổ cập tiếng Anh là sẽ đạt được. Đơn cử như Singapore, để phổ cập tiếng Anh cho người dân phải mất tới 38 năm. "Không thể ngày một ngày hai xoá mù tiếng Anh, cần thời gian, nhưng nếu không có quyết tâm, lộ trình và bước đi thì không thể đạt mục tiêu", ông Nhạ khẳng định.

Đại biểu Trương Minh Ánh cho rằng "nếu đề án đặt yêu cầu ngoại ngữ học sinh - sinh viên cao hơn giáo viên là không khả thi". Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận: "Muốn yêu cầu học sinh giỏi hơn, trình độ ngoại ngữ tốt hơn thì trình độ, yêu cầu với thầy phải cao hơn là đương nhiên". Tuy nhiên, cần thêm thời gian để nâng trình độ ngoại ngữ với giáo viên. Bộ Giáo dục sẽ làm việc với Bộ Nội vụ, điều chỉnh yêu cầu ngoại ngữ giáo viên theo đúng đối tượng để đảm bảo tính khả thi. Giáo viên mới tuyển vào thì tiếng Anh phải đảm bảo ở trình độ cao, và sẽ có lộ trình với các giáo viên còn lại, tránh tình trạng "mua bán chứng chỉ". "Thầy cô không còn nhiều thời gian công tác thì không nên ép", ông nói.

Bình luận về nội dung trả lời chất vấn nêu trên của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ sự ủng hộ việc điều chỉnh đề án, đồng thời cho rằng: "Tất cả các ngoại ngữ đều hay, nhưng sự cần thiết thì khác nhau vì vậy phải có thứ tự ưu tiên. Chúng ta nên học tiếng Anh cho tốt, nếu cần gì thì học thêm ngoại ngữ đó, đừng lãng phí thời gian của con người".

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được phê duyệt năm 2008. Mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để "đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam".

Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2010 là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng sau 8 năm thực hiện, đến nay nhiều mục tiêu chưa đạt được, khả năng ngoại ngữ của học sinh nói riêng, người Việt Nam nói chung chưa được cải thiện nếu chỉ học theo chương trình phổ thông.

Tác giả bài viết: Anh Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP