Mấy ngày gần đây, nhiều cây xăng kêu hết hàng, đóng cửa không bán. Trong đó có các địa phương như An Giang, Tiền Giang...
Tại Hà Nội, có hiện tượng cây xăng phải nghỉ bán, chỉ rải rác một số cửa hàng treo biển bán theo khung giờ.
Thông tin mới nhất về vấn đề này, Bộ Công thương cho biết, hiện tại tỉnh Tiền Giang đã đồng loạt kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang phối hợp cùng ngành chức năng có liên quan kiểm tra tình hình hoạt động của các cửa hàng xăng dầu hoạt động trên địa bàn |
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang đang kiểm tra, giám sát tổng cộng 433/597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, có văn bản chỉ đạo tất cả các Đội QLTT trực thuộc quản lý chặt chẽ địa bàn, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm phải tổ chức kiểm tra đột xuất, xác minh làm rõ các nội dung, tình tiết liên quan và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe.
Theo Bộ Công thương, kết quả kiểm tra trong đợt ra quân đồng loạt từ ngày 29/1/2022 đến ngày 8/2/2022 cho thấy, các cửa hàng hoạt động bình thường, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Riêng ngày 7/2, đã kiểm tra đột xuất 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu do dừng hoạt động trên địa bàn xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Kết quả cho thấy, thực tế cửa hàng ngừng bán do không còn hàng. Đến chiều ngày 8/2, cửa hàng đã nhập 6.000 lít xăng để cung cấp cho người tiêu dùng...
Còn tại tỉnh An Giang, trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang khẳng định, có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu tạm ngưng phục vụ, nhưng không nhiều. Việc này, cũng đã được ngành chức năng dự báo từ trước Tết Nguyên đán.
Theo Giám đốc Sở Công thương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các đầu mối phân phối không có nguồn xăng Ron 95 cung cấp cho các cửa hàng, hoặc có nhưng là cung cấp nhỏ giọt. Khi hết hàng, thương nhân phân phối không cung cấp kịp, nên các cửa hàng tạm dừng. Trong 1, 2 ngày tới, tình hình sẽ ổn định trở lại.
“Dứt khoát, cửa hàng nào đóng cửa, Quản lý thị trường sẽ đến kiểm tra, nếu trong kho còn xăng, đóng cửa không bán thì sẽ xử lý theo quy định. An Giang đang làm rất quyết liệt, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trữ hàng chờ tăng giá”, ông Hùng nhấn mạnh.
Nhận định về tình hình nguồn cung trên thị trường, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho biết, đã trao đổi với các đầu mối, nguyên tắc chung là đảm bảo tổng cung, giao nhiệm vụ cho từng đầu mối để có nguồn hàng nhanh nhất, sớm nhất.
Theo ông Đông, Bộ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đơn vị nào găm hàng chờ tăng giá. Cửa hàng phải đóng cửa vì lý do chính đáng như hết xăng, Bộ sẽ phối hợp điều phối, cung ứng.
Ông Đông cũng xác nhận nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang hoạt động 60-80% công suất, nhưng chưa rõ khi nào trở lại công suất bình thường.
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Giao thông