Trường ÐH Y Hà Nội |
Trong đơn gửi báo Tiền Phong, các bác sĩ đã hoàn thành các khóa đào tạo hệ BSNT của Trường ĐH Y Hà Nội trình bày, khi nhận thông báo tuyển sinh, học viên được biết và nắm rõ chương trình đào tạo tương đương đào tạo cao học. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo BSNT, học viên sẽ nhận được 3 bằng: BSNT, bằng Bác sĩ chuyên khoa cấp I và bằng Thạc sĩ. Nhưng khi công nhận tốt nghiệp cho hơn 1.000 BSNT từ năm 2007 đến năm 2017 (từ khóa 28 đến khóa 38), Trường ĐH Y Hà Nội chỉ cấp bằng BSNT bệnh viện.
Sau khi đối chiếu với thông báo và chương trình học đã hoàn thành, đối chiếu với các quy định về vấn đề này tại thời điểm đó, các BSNT cho rằng, việc làm này của trường trái quy định pháp luật và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Trong đơn, các bác sĩ cho hay, nếu lúc tuyển sinh, Trường ĐH Y Hà Nội thông báo rõ đào tạo hệ BSNT không có chương trình cao học thì họ sẽ không bức xúc như hiện nay. Thời gian học đối với một BSNT gồm chương trình Y khoa (bác sĩ đa khoa) 6 năm, tiếp đó học BSNT 3 năm. So với sinh viên trường khác, khoảng thời gian này họ đã có thể hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh để nhận bằng Tiến sĩ.
Trong khi đó, học xong BSNT không có bằng Thạc sĩ sẽ có 2 bất cập. Thứ nhất, với người đi giảng dạy, không thi được vào ngạch Giảng viên chính. Thứ hai, muốn học nghiên cứu sinh cũng không được vì chưa có bằng Thạc sĩ. Có những người đã phải học lại 2 năm cao học để nhận bằng Thạc sĩ.
Hơn nữa, dù có bằng BSNT nhưng khi đi xin việc, hệ số lương chỉ được tính như một cử nhân vừa tốt nghiệp với hệ số 2,34, trong khi, có bằng Bác sĩ chuyên khoa I hay Thạc sĩ thì hệ số lương sẽ là 2,67.
Khoản 2 Điều 16 tại Quyết định 19/2006/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế đào tạo BSNT nêu rõ: “Học viên tốt nghiệp được cấp bằng BSNT, bằng Chuyên khoa cấp I và được đề nghị với Bộ GD&ĐT cấp bằng Thạc sĩ”.
Trong thông tư liên tịch số 30/2003/TTLT/BGD&ĐT-BYT tại Điều 3 Mục III nêu rõ, người trúng tuyển hệ đào tạo BSNT bệnh viện sẽ được công nhận là học viên cao học. Bác sĩ được đào tạo theo chương trình nội trú bệnh viện sẽ học bổ sung các môn còn thiếu trong chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành tương ứng theo Quy chế đào tạo sau ĐH hiện hành của Bộ GD&ĐT. Khi tốt nghiệp BSNT bệnh viện, học viên sẽ được cấp bằng Thạc sĩ y học.
“Chúng tôi làm theo luật vì luật là cao nhất, hơn nữa trường thuộc quản lý của cả Bộ GD&ÐT và Bộ Y tế, Thanh tra Bộ GD&ÐT chỉ chiếu theo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ÐH, nếu làm không đúng chúng tôi sẽ bị xử phạt nên không thể chỉ theo quy định của Bộ Y tế”. Ông Lê Minh Giang – Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau ÐH, Trường ÐH Y Hà Nội |
Bộ cũng “lắc đầu”
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Minh Giang, Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Y Hà Nội, nói rằng, đó là quy định của Bộ Y tế, đồng thời trường cũng phải tuân thủ quy định của Bộ GD&ĐT về xây dựng chương trình đào tạo. Từ năm 1974 đến năm 2003, các học viên tham gia chương trình này đều được đào tạo theo một giai đoạn duy nhất. Sau khi tốt nghiệp được cấp 1 bằng duy nhất là bằng BSNT.
Trong giai đoạn này, học viên học khóa đào tạo BSNT của Trường ĐH Y Hà Nội được cấp bằng chuyên khoa 1 hệ nội trú hoặc chứng nhận chuyên khoa 1 hệ nội trú, nhưng đây không phải bằng cấp, mà chỉ mang tính danh hiệu, tôn vinh của nhà trường.
Theo ông Giang, từ năm 1995-2002, Trường ĐH Y Hà Nội từng tổ chức nhiều đợt chuẩn hóa cho các BSNT để được nhận bằng Thạc sĩ bằng cách làm việc trực tiếp với Bộ GD&ĐT, xin phép hai bộ liên quan (Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế) để thống nhất công nhận chuẩn hóa trình độ thạc sĩ cho các học viên hoàn thành chương trình BSNT. Sau đó, nội dung này được 2 Bộ thống nhất trong các thông tư liên tịch đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, thời điểm đó, chương trình đào tạo BSNT chưa có các nội dung cần thiết để có thể cấp bằng thạc sĩ, nên sau khi học xong, học viên vẫn phải quay lại học thêm một số môn như Nghiên cứu khoa học, Phương pháp giảng dạy để được nhận bằng Thạc sĩ…
Đến năm 2000-2009, nhận thấy việc phải học thêm để chuẩn hóa sau khi hoàn thành chương trình học gây nhiều bất tiện cho học viên, trường đã lồng ghép các nội dung đào tạo thạc sĩ vào chương trình đào tạo BSNT mới. Như vậy, khi kết thúc khóa học, trường chỉ cần chứng minh với Bộ GD&ĐT đã dạy đủ các môn học theo yêu cầu là có thể nhận bằng.
“Thời điểm này, chỉ tiêu đào tạo BSNT riêng và chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ là hoàn toàn độc lập. Sau khi Bộ GD&ĐT dựa trên đề nghị của nhà trường thì đồng ý cấp bằng Thạc sĩ. Khi đó, Bộ GD&ĐT chưa bao giờ hỏi chỉ tiêu ở đâu ra, đã xin chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ hay chưa mà cứ thế cấp bằng.
Nhưng quy định đào tạo thạc sĩ thay đổi liên tục, quá trình cấp bằng của nhà trường cũng bị chi phối bởi những quy định này. Theo đó năm 2009, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải có chỉ tiêu đầu vào Thạc sĩ thì mới được cấp bằng. Như vậy các khóa từ 2007-2017 chịu ảnh hưởng bởi quy chế này”, ông Giang nói.
Từ năm 2009 đến năm 2015, trường liên tục gửi đơn thư lên Bộ GD&ĐT để gỡ vướng nhưng đều bị “lắc đầu”. Đến năm 2015, nhận thấy những bất cập, Trường ĐH Y Hà Nội đã thay đổi toàn bộ cấu trúc đào tạo BSNT. Thay vì như trước đây chỉ đào tạo 1 chương trình có 1 bằng, nay chuyển sang đào tạo 2 chương trình trong khóa đào tạo. Trong đó, giai đoạn một, học viên hoàn thành chương trình học thạc sĩ, sau đó các năm còn lại hoàn thành yêu cầu của chương trình đào tạo BSNT.
Với 2 chương trình trong 2 giai đoạn như vậy, từ năm 2015 đến nay, Trường ĐH Y Hà Nội cấp 2 bằng, gồm bằng BSNT và bằng Thạc sĩ cho học viên.
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền Phong