Xã hội

Bệnh nhân nguy kịch tính mạng do uống thuốc đông dược trôi nổi

Một số bệnh nhân các tỉnh miền Tây điều trị tiểu đường bằng thuốc đông dược không rõ nguồn gốc, khi chuyển đến bệnh viện cấp cứu đã biến chứng nặng, nguy kịch tính mạng.

Chiều 5/3, Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ đã làm việc với Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ để xác minh, ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tiểu đường nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch phản ánh do sử dụng thuốc trôi nổi.

Nhiều bệnh nhân nguy kịch

Bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc cho biết bệnh viên ghi nhận gần 10 bệnh nhân có tiền sử bị bệnh tiểu đường nhưng khi nhập viện đã bị suy đa tạng.

Những bệnh nhân này có chung đặc điểm dùng thuốc đông dược hạ đường huyết được bán trôi nổi trên thị trường trong một thời gian dài. Loại thuốc bệnh nhân sử dụng thường gọi là thuốc tàu hoặc thuốc tể, có dạng viên tròn màu xanh, đỏ hoặc xám.

Bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết bệnh nhân có chung tiền sử bệnh tiểu đường khi nhập viên đã biến chứng nặng. Ảnh: Minh Anh.

“Bệnh nhân cho biết khi uống vào thì đường trong cơ thể ổn định. Nhưng khi nhập viện, chúng tôi chẩn đoán thì đã suy đa tạng”, bác sĩ Phụng nói và cho biết có bệnh nhân khi nhập viện trong tình trạng nặng toan chuyển hóa pH: 6,7- 6,8 (bình thường pH 7,35 -7,45). Các bác sĩ chưa kịp cấp cứu, bệnh nhân đã ngưng tim, tuột huyết áp, có trường hợp tử vong.

Ông Võ Văn Bút (49 tuổi, ngụ quận Ô Môn) nhập viện điều trị tại bệnh viện hơn hai tháng nay. Bệnh nhân cho biết trước đó bị tiểu đường khoảng 5 năm. Qua người quen giới thiệu đã mua thuốc tại cơ sở điều trị tại quận Ô Môn.

Theo lời bệnh nhân này, khi uống vào đường trong cơ thể ổn định và điều trị được khoảng gần một năm. Hai tháng trước, bệnh nhân này đau bụng và ói ra máu nên gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ông Bút nằm điều trị tại bệnh viện khoảng hai tháng nay. Ảnh: Minh Anh.

Các bác sĩ phát hiện bệnh bình bệnh nhân đã nặng hơn, rơi vào cơn ngưng tim. Bác sĩ phải hồi sức tích cực, chống sốc, thở máy, lọc máu liên tục, lọc thận và cứu sống bệnh nhận.

Một trường hợp khác 81 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cấp cứu vào ngày 2/3. Khi nhập viện bệnh nhân hôn mê, có tiền sử bệnh tiểu đường. Hai ngày sau, bệnh nhân này tử vong.

Người nhà cho biết bệnh nhân có dùng thuốc đông dược, dạng viên tròn màu xanh, đỏ hoặc xám được mua tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Khó kiểm soát thuốc trôi nổi

Ông Trần Trường Chinh, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ thông tin vừa qua ngành chức năng đã kiểm tra và tịch thu 114.000 viên thuốc đông dược tại cơ sở trên địa bàn phường Phước Thới (quận Ô Môn).

Cơ sở này không có giấy phép và không đủ điều kiện hoạt động. Qua kiểm tra đã phát hiện các sai phạm, lập biên bàn và tuỳ mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý theo quy định.

“Việc các bệnh nhân bị tiểu đường có biến chứng do uống thuốc điều trị tại cơ ở phường Phước Thới hay loại thuốc đông dược khác không rõ nguồn gốc, Thanh tra Sở sẽ xác minh làm rõ”, ông Chinh nói.

Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ làm việc với bệnh viên, ghi nhận hồ sơ các bệnh án. Ảnh: Minh Anh.

Theo lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế, trên địa bàn TP Cần Thơ có khoảng 1.000 cơ sở kinh doanh các loại thuốc đông dược cổ truyền. Hàng năm, Thanh tra Sở Y tế đều có kế hoạch kiểm tra nhưng số lượng quá lớn nên không thể kiểm tra hết từng cơ sở.

“Trên thị trường có nhiều loại thuốc trôi nổi, bài thuốc dân gian truyền miệng. Người này uống chỉ cho người kia và ngộ nhận loại thuốc này hiệu quả nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như các biến chứng có thể gây ra”, Phó Thanh tra Sở Y tế khuyến cáo.

Loại thuốc các bệnh nhân sử dụng được giới thiệu đặc trị tiểu đường. Ảnh: T.S.

Theo bác sĩ Phan Thị Phụng, qua trao đổi với đồng nghiệp tại An Giang và nơi đây cũng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tương tự và cũng loại thuốc trên và có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tác giả: Minh Anh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP