Ngày 22/12, Zing dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, khoa Răng - Hàm - Mặt của đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho một trường hợp bệnh nhi bị thương tích nặng ở vùng mặt và mắt do bị chó nhà cắn.
Cụ thể, bệnh nhi là bé trai V.D.P (2 tuổi, trú tại thị xã Hoàng Mai). Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trong lúc đang chơi với chị gái, bé P. bất ngờ bị chó nhà tấn công, cắn liên tiếp vào vùng mặt và mắt.
Ngay sau đó, bệnh nhi đã được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Thời điểm nhập viện, bé P. trong trạng thái hoảng sợ và thương tích nặng. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định bé bị đứt lệ quản mi dưới mắt trái, kèm đa vết thương vùng mặt.
Bệnh nhi nhanh chóng được xử lý vết thương, truyền dịch, dùng kháng sinh, giảm đau và hội chẩn chuyển mổ cấp cứu để nối lệ quản và khâu tạo hình vùng mặt. Sau hơn một giờ phẫu thuật, các vết thương của bệnh nhi được kiểm soát. Hiện sức khỏe của bệnh nhi ổn định nhưng vẫn còn hoảng sợ.
Bé P. bị thương tích nặng ở vùng mặt do bị chó nhà tấn công. Ảnh: Dân trí |
Trước đó, tại Thanh Hóa cũng xảy ra vụ việc bé trai bị chó nhà tấn công gây thương tích nặng. Nạn nhân là cháu N.V.Th. (12 tuổi, trú xã Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa) bị chó nhà hàng xóm cắn với vết thương rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng và đã phải nhập Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân cấp cứu.
Ngay sau khi gia đình đưa cháu bé nhập viện, các y bác sĩ đã sơ cứu cho bệnh nhi, rồi phải chuyển tiếp ngay lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để điều trị vì vết thương ở đầu, tai và nhiều vết thương rất nặng khác trên người.
Các bác sĩ cho biết, cháu Th. bị lóc da đầu, mất hai tai, nhiều vết thương trên cơ thể. Sau khi tiếp nhận bệnh nhi Th. các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phải truyền máu cấp cứu để bảo toàn tính mạng cho Th.. Trong đêm 29/4, bệnh viện đã chuyển Th. ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để điều trị các vết thương trên cơ thể.
Trao đổi với Dân trí, Bác sĩ Nguyễn Quang Hà khoa Răng - Hàm - Mặt cho hay, hầu hết trường hợp bị chó nhà cắn thường do chủ quan từ gia đình nuôi con vật. Vết cắn từ động vật rất nguy hiểm, lây truyền tạp khuẩn, virus bệnh dại, đặc biệt có khả năng gây tử vong nếu tổn thương khí đạo mạch máu lớn vùng cổ.
Do đó, để hạn chế tai nạn thương tâm, bác sĩ Hà khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hạn chế nuôi chó khi nhà có trẻ nhỏ. Nếu gia đình nuôi chó, bạn tuyệt đối không để bé chơi một mình với chúng mà không có người lớn quan sát.
Ngoài ra, cần tiêm phòng đầy đủ đối với vật nuôi trong nhà, đeo rọ mõm khi ra đường, xích cẩn thận. Trường hợp chó cắn trẻ, phụ huynh cần rửa sạch vết thương và đưa đến trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị đúng cách.
Tác giả: N.H (T/h)
Nguồn tin: doisongplus.vn