Thể thao

Bầu Đệ để lại rắc rối với FIFA cho CLB Thanh Hóa

Dù đã chuyển giao lại đội bóng Thanh Hóa cho một đơn vị khác quản lý, ông Nguyễn Văn Đệ vẫn chưa thể giải quyết hết các rắc rối với FIFA.

Hai vụ kiện gần đây liên quan đến CLB Thanh Hóa dưới thời Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ cho thấy cách làm bóng đá thiếu chuyên nghiệp của người từng đứng đầu đội bóng. Nó khiến cho đơn vị quản lý mới, CLB Thanh Hóa thời Chủ tịch Cao Tiến Đoan, vướng vào kiện tụng.

FIFA đã có quyết định trong cả hai vụ kiện của HLV Fabio Lopez và ngoại binh Idrissa Sega Cisse đối với CLB Thanh Hóa. Theo đó, đội chủ sân Thanh Hóa phải trả gần 200.000 USD cho HLV người Italy và trợ lý, con số chính xác sẽ được FIFA thông báo sau. CLB Thanh Hóa phải trả cho Cisse 58.420 USD theo thông báo chính thức của FIFA.

Những điều khoản vô lý

Bầu Đệ từng tuyên bố các trường dạy bóng đá nên tham khảo cách làm của ông ở CLB Thanh Hóa khi còn đương nhiệm. Đó là khi ông đưa ra hàng loạt yêu cầu khó hiểu cho HLV Nguyễn Thành Công. Ông Công lúc này mới về dẫn dắt CLB Thanh Hóa thay cho HLV Fabio Lopez hồi tháng 7/2020. HLV người Nghệ An ra đi ngày 11/9/2020 sau 3 tháng làm việc.

Ông Đệ không phải là người mới bước chân vào làm bóng đá. Cuối năm 2010, ông trở thành chủ tịch của đội bóng Thanh Hóa và có 5 năm điều hành. Thanh Hóa giành tấm huy chương đồng mùa giải 2014. Đến tháng 5/2015, ông Đệ bất ngờ chia tay, để đội bóng được giao cho tập đoàn FLC. Tháng 4/2019, ông Đệ trở lại tiếp quản.

Trong 1,5 năm nắm đội bóng, ông Đệ không ít lần tạo điều tiếng. Có lúc ông đòi bỏ giải khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến lịch thi đấu của ban tổ chức V.League 2020. Tuyên bố của ông được rút lại, nhưng cũng khiến người xem không khỏi suy nghĩ giải VĐQG như một cái chợ. Ông bầu nào thích thì bỏ, vui thì chơi, tùy vào cảm xúc.

Bầu Đệ để lại sự rối ren cho CLB Thanh Hóa khi đội bóng phải tìm luật sư để kháng án. Ảnh: Quang Thịnh.

Cách làm bóng đá của ông Đệ có vấn đề khi gặp những ca khó, có sự can thiệp của FIFA. Hợp đồng của CLB Thanh Hóa thường cài những điều khoản thiệt thòi hoàn toàn cho người lao động, ở đây là huấn luyện viên và cầu thủ. Nhưng không phải cầu thủ, HLV nào cũng dám làm tới như Fabio Lopez hay được tư vấn luật như Cisse.

Hợp đồng do ông Đệ ký thường có điều khoản CLB được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu Hội đồng chuyên môn/Ban huấn luyện đánh giá kém về chuyên môn, đạo đức, thể lực, lối sống. Từ đó mới có câu chuyện cầu thủ Thanh Hóa bỏ phiếu 100% tán thành việc thanh lý HLV Fabio, chứ không phải do ông chủ tịch chủ ý làm vậy.

Khi cầu thủ đã ký hợp đồng bị chấn thương, không thể tập luyện quá 30 ngày thì hợp đồng không còn hiệu lực. Điều này đi ngược các quy định của FIFA và cũng là nguyên do chính khiến CLB Thanh Hóa thua kiện cầu thủ Cisse. Đây là điều khoản "vắt chanh bỏ vỏ" trong hợp đồng bóng đá mà CLB Thanh Hóa và một số đội bóng V.League khác cài trong hợp đồng, nhưng FIFA không công nhận.

Ai sẽ bồi thường thiệt hại?

Không nhiều cầu thủ, đa số là cầu thủ Việt Nam, biết nhờ luật sư và tư vấn luật để kiện lên FIFA. Vì vậy, cho đến khi các vụ việc vỡ lỡ thì bản chất cách làm bóng đá của ông bầu, CLB mới lộ ra. CLB TP.HCM từng phải đền bù theo thỏa thuận hai bên để thanh lý hợp đồng với cầu thủ. Họ phải dùng lại HLV Chung Hae-seong vì không muốn trả 17 tháng lương còn lại, sau đó hai bên mới thương lượng.

Theo tìm hiểu của Zing, CLB Thanh Hóa đang cố gắng giải quyết những rắc rối trong hai vụ kiện này. Vụ kiện của Cisse đã được FIFA phán quyết từ tháng 4/2020. Có thông tin cho rằng CLB Thanh Hóa đã kháng án lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) ở Thụy Sĩ. Họ cũng thuê luật sư chuyên trách ở Hà Nội để lo phần pháp lý. Số tiền đặt cọc để CAS xem xét vụ kiện là khoảng 30.000 USD. Chi phí tùy vào số tiền hai bên tranh chấp.

Trong các văn bản của FIFA về hai vụ kiện do HLV Fabio Lopez và Cisse là nguyên đơn chỉ ghi bị đơn là CLB Thanh Hóa. Điều đó có nghĩa là không biết bằng cách nào, CLB Thanh Hóa nếu không kháng án, thì họ phải chuyển vào tài khoản do nguyên đơn cung cấp đúng số tiền bị phạt. Con số này với HLV Lopez và trợ lý là gần 200.000 USD, và phải trả cho Cisse 58.420 USD.

HLV người Italy và trợ lý nhờ hãng luật SILA nổi tiếng để làm cho ra lẽ khi ông bị mất danh dự bởi những phát ngôn của bầu Đệ. Ảnh: Thế Anh.

Với các vấn đề của CLB Thanh Hóa, bầu Đoan đã tuyên bố không chịu trách nhiệm với những vi phạm hợp đồng của công ty quản lý cũ của đội bóng. "Bầu Đệ là người chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng có thỏa thuận mọi chuyện cũ đều thuộc về trách nhiệm của công ty cũ. Bầu Đệ cũng có văn bản đó. Trách nhiệm trong vụ kiện này thuộc về bầu Đệ và Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa".

Một Uỷ viên Ban Pháp lý AFC, thành ủy viên Toà án Trọng tài thể thao - CAS, phân tích với Zing: "Cho dù CLB Thanh Hóa hoạt động như thế nào, trừ khi đội bóng này giải thể, thì đội bóng phải có nghĩa vụ. Khi chuyển giao đơn vị quản lý thì phải chuyển giao cả quyền và nghĩa vụ, phải có thỏa thuận giữa hai bên nếu có vấn đề phát sinh".

"Theo tôi hiểu về mặt pháp lý là CLB Thanh Hóa vẫn đang thi đấu ở V.League. Thông thường, khi FIFA hay các cơ quan pháp lý muốn phạt thì phải túm đội bóng, chứ không thể đi tìm doanh nghiệp kia. Không thể nói đội bóng đã được chuyển giao rồi thì thôi, không còn tính pháp lý nữa", vị này nói rõ hơn.

Bầu Đệ từng mất hàng chục nghìn USD để giải phóng hợp đồng cho tiền đạo Errol Stevens ở mùa giải 2019. Anh thi đấu được 5 trận và nghỉ hết mùa vì chấn thương. Tuy nhiên, Stevens từng thắng CLB Hải Phòng trong một vụ kiện khác do FIFA xem xét, nên bầu Đệ không thể "vắt chanh bỏ vỏ". Thế là hai bên phải ngồi thương lượng để đạt thỏa thuận đền bù.

Nếu không kháng án lên CAS, CLB Thanh Hóa có 45 ngày để hoàn thành nghĩa vụ cho HLV Fabio. Nếu không, họ sẽ đối diện với các lệnh trừng phạt của Ủy ban kỷ luật FIFA như trừ điểm, cấm chuyển nhượng, đánh rớt hạng. Đây không phải là lần đầu tiên CLB Thanh Hóa bị kiện và họ thường bị xử thua mỗi khi tái phạm.

Tác giả: Quang Thịnh

Nguồn tin: zingnews.vn

  Từ khóa: Bầu Đệ ,CLB Thanh Hóa ,FIFA

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP